Đề thi tốt nghiệp THPT: Giảm tối đa 'thuộc lòng' và không đánh đố

23/05/2014 02:00 GMT+7

Ngay sau khi công bố số liệu thí sinh đăng ký dự thi các môn tự chọn, ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Thanh Niên về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngay sau khi công bố số liệu thí sinh đăng ký dự thi các môn tự chọn, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Thanh Niên về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Hồng Đức ôn thi môn toán
 Học sinh Trường THPT Hồng Đức ôn thi môn toán - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Hiển cho biết không bất ngờ với kết quả đăng ký môn thi tự chọn của học sinh (HS). Môn sử ít HS đăng ký dự thi nhất là điều có thể đoán trước, chứ không phải HS có yêu thích môn sử hay không. Lâu nay, đầu ra cho khối ngành xã hội đã khiến rất ít HS chọn thi khối C. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được chọn môn thi nên HS thường chọn môn theo khối thi ĐH.

Vừa sức HS học lực trung bình

* Nhưng rõ ràng HS cũng khẳng định không chọn môn sử là do cách thi môn này nặng nề quá?

- Đúng là cách thi môn sử cũng như đề thi các môn xã hội lâu nay vẫn thiên về học thuộc nhiều, ít phát huy tính độc lập của HS. Điều này vẫn phải tiếp tục đổi mới. Nhìn chung đề thi sẽ ra theo hướng giảm những yêu cầu về học thuộc lòng.

 
Ông Nguyễn Vinh Hiển

* Cho đến nay, giáo viên và HS vẫn nói rằng họ “hoang mang” khi có văn bản ngoài sách giáo khoa vào đề thi trong phần đọc hiểu. Vậy phần này chiếm bao nhiêu phần trăm trong đề thi và mức độ khó của những văn bản đọc hiểu ấy như thế nào, thưa ông?

- Đó là cách ra đề nhằm giảm tình trạng học vẹt, học tủ. Cơ cấu của một đề thi làm trong 120 phút thì phần đọc hiểu mà Bộ hình dung là khoảng 30% đề thi. Nhưng tất nhiên không đóng khung một tỷ lệ cứng nhắc.

Văn bản đọc hiểu đưa vào đề thi có độ khó tương đương với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp THPT. Là một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT thì chắc chắn sẽ không có chuyện đưa vào đề thi một văn bản mang tính đánh đố, HS đọc mà không thể hiểu được.

Tất nhiên, một văn bản có thể có nhiều tầng nghĩa khác nhau, để đánh giá trình độ tốt nghiệp thì có thể sẽ chỉ hỏi vào phần dễ chứ không hỏi vào phần khó.

* Bộ có đảm bảo nguyên tắc HS có học lực trung bình, bám sát kiến thức cơ bản là có thể làm được bài thi tốt nghiệp?

- Thi cử là phải có áp lực nhưng không đánh đố, không quá tải về mặt thời gian làm bài và không quá sức với mặt bằng chung khả năng của HS học hết chương trình lớp 12. Đó là điều chúng tôi có thể khẳng định rõ. HS có học lực trung bình, nghiêm túc và tập trung làm bài thi là có thể đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Quy chế còn cho phép HS có học lực yếu cũng được dự thi tốt nghiệp vì cách ra đề với tính phân loại cao thì HS có học lực dưới trung bình một chút nhưng nỗ lực học tập, tập trung ôn thi để nắm được kiến thức cơ bản cũng vẫn có thể đỗ tốt nghiệp THPT. Thực tế các năm trước đã chứng minh điều đó.

Cho phép “thi gửi”

* Việc thi 2 ca trong một buổi thay vì mỗi môn/buổi như các năm trước hoặc có những môn mà cả hội đồng thi chỉ có một vài thí sinh dự thi... được Bộ yêu cầu xử lý thế nào?

- Do đã phân cấp về địa phương nên những cái này Bộ không nhất thiết phải hướng dẫn cụ thể. Thực tế thì tôi thấy các địa phương cũng đã lên phương án đầy đủ về mặt kỹ thuật, có nơi bố trí chỗ nghỉ cho HS trong khi chờ ca thi tiếp theo, hướng dẫn HS có mặt lúc mấy giờ...

Còn những hội đồng thi chỉ có một HS dự thi môn nào đó thì chúng tôi cũng chấp nhận và hội đồng thi vẫn phải tổ chức đầy đủ các thành phần, đúng quy trình. Tuy nhiên, Bộ cũng cho phép các địa phương vận động HS dự thi môn ấy ở hội đồng thi khác nhưng danh sách dự thi ở đâu thì trả bài thi về hội đồng đó để niêm phong và chấm. Nhưng việc “gửi thi” như vậy phải được sự đồng ý, tự nguyện của HS và đảm bảo việc đi lại của HS không quá xa so với hội đồng thi của các em.

* Theo ghi nhận của Thanh Niên, vẫn có một số trường vận động cho HS cả trường mình chọn thi những môn giống nhau để tiện cho việc tổ chức ôn tập. Điều này có được phép không, thưa ông?

- Cái đó rõ ràng không được phép. Hướng dẫn cách thức chọn môn thi thì được nhưng nếu bảo HS phải chọn môn này hoặc môn kia là sai so với tinh thần tự chọn môn thi của Bộ.

* Xin ông cho biết kết quả học lực năm lớp 12 của HS để xét tốt nghiệp đã được gửi về Bộ GD-ĐT chưa và việc giám sát được thực hiện ra sao?

- Kết quả tuy chưa gửi về Bộ nhưng qua nắm bắt tình hình có thể thấy các sở GD-ĐT đều đang làm nghiêm túc việc này. Thực ra xã hội đặt vấn đề này vấn đề kia nhưng người trong ngành đều hiểu nếu năm nay không đánh giá nghiêm túc thì sang năm việc dạy và học sẽ rất khó khăn. Thế nên các địa phương đều khẳng định quyết tâm làm nghiêm bằng những biện pháp khác nhau.

* Năm nay quy định cho phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi như một kênh để chống tiêu cực có được tiếp tục áp dụng không?

- Quy định này vẫn không có gì thay đổi so với năm trước.

Lịch thi tốt nghiệp THPT 2014:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian làm bài

Giờ phát đề thi

Giờ bắt đầu làm bài

 

SÁNG

Ngữ văn

120 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

2/6/2014

CHIỀU

Vật lí

60 phút

13 giờ 30

13 giờ 45

 

Lịch sử

90 phút

15 giờ 55

16 giờ 00

 

SÁNG

Toán

120 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

3/6/2014

CHIỀU

Hóa học

60 phút

13 giờ 30

13 giờ 45

 

Địa lí

90 phút

15 giờ 55

16 giờ 00

4/6/2014

SÁNG

Ngoại ngữ

60 phút

7 giờ 55

8 giờ 10

Sinh học

60 phút

10 giờ 25

10 giờ 40

 

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

 >> Thi tốt nghiệp THPT 2014: Môn lịch sử có ít học sinh chọn nhất
>> Chỉ hơn 11% thí sinh chọn thi tốt nghiệp môn lịch sử
>> Thi tốt nghiệp THPT: Môn lịch sử ở cuối bảng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.