Đề thi minh họa môn toán dễ hay khó?

Dư luận quan tâm đặc biệt đề thi minh họa môn toán vì có nhiều tranh luận trước đó về việc nên hay không nên thi trắc nghiêm môn này ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Học sinh yếu khá dễ dàng thoát điểm liệt
Theo tiến sĩ Trần Nam Dũng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, TP.HCM), nội dung thi môn toán nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Trong từng phần, có những câu đơn giản, có thể trả lời nhanh trong 15 - 30 giây nhưng cũng có những câu cần có nhiều thời gian để phân tích, tính toán.
Bên cạnh một số bài toán tính toán có thể áp dụng công thức (có thể bấm máy tính để giải), có nhiều câu hỏi mang tính lý thuyết, nhiều câu hỏi trong dữ kiện có chứa tham số, như vậy học sinh (HS) phải thực sự thuộc bài, hiểu bài mới làm được.

Đề minh họa của Bộ đã khắc phục được khá nhiều điểm yếu trong đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội mà giới chuyên môn đã phân tích. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện và lưu ý: Các phương án nhiễu trong đa số các bài toán còn chưa được chọn lựa dựa theo lỗi thường gặp của HS mà chỉ được cho một cách cơ học. Các bài toán vẫn chủ yếu thiên về tư duy định lượng, tính toán, chưa có nhiều bài về tư duy định tính. Độ khó của các câu hỏi khá chênh lệch có thể sẽ gây khó kỹ thuật khi trộn đề. Vì nếu không có phương án, có thể xảy ra tình huống có đề dễ hơn, có đề khó hơn.
Đề thi này khá tương đồng với mức độ đề thi THPT quốc gia 2016. Cũng có những câu rất dễ, có thể làm trong “một nốt nhạc” (ví dụ các câu 3, 12, 22, 29, 44), có những câu khó hơn (chiếm đa số) và có những câu khó hơn hẳn (ví dụ các câu 10, 19, 21, 34, 38). Vì thế, HS yếu thoát điểm liệt khá dễ dàng (nhất là có nhiều câu có thể đúng do may rủi), HS khá có thể đạt điểm 6 - 7, HS giỏi có thể đạt điểm 7,5 - 8,5. Tuy nhiên, số điểm từ 9 cho đến 10 sẽ không nhiều, vì cho dù từng bài thì không có bài nào quá khó như đề tự luận, nhưng tổng thể 50 câu làm trong 90 phút là khá áp lực.
Với cách ra đề thế này, bên cạnh việc làm quen với các kỹ năng thi trắc nghiệm, HS phải nắm vững các kiến thức lý thuyết của chương trình 12, đặc biệt là các phần trước nay vẫn bị bỏ rơi như số phức, tiệm cận, mặt nón, khối trụ, mặt cầu, tính chất của logarit.

tin liên quan

Cấp tốc đổi cách học để thi kiểu mới
Dù mới bước vào năm học nhưng trước những dự kiến thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều trường phổ thông đã gấp rút tính phương án dạy và học để thích ứng với cách thi mới.

Tính phân loại không cao
GS Hà Huy Bằng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho rằng qua đề thi minh họa, có một số ý kiến lo ngại những trường tốp cao sẽ khó tuyển được những HS giỏi nhất, đặc biệt là với những trường mấy năm qua chọn môn toán là môn chính. Tôi cho rằng lo ngại là đúng khi mà đề thi minh họa môn toán cho thấy tính phân loại không cao, cả đề thi 50 câu hỏi mà chỉ khoảng 3 - 4 câu có tính chất phân loại, vì thế những trường tốp đầu tuyển sinh sẽ hơi khó.

Có thể do những người làm đề minh họa chịu áp lực lớn (trước lo ngại của xã hội là HS không kịp chuẩn bị để thi tốt do đổi mới hình thức thi) nên khi soạn đề quá chú trọng tính cơ bản của kiến thức. Số câu hỏi chỉ dừng lại ở hai cấp độ đầu là nhận biết và thông hiểu quá nhiều, các câu vận dụng cao đã quá ít rồi mà vận dụng thấp cũng ít.
Mặt khác, có câu (để phân loại) như câu 9 lại nằm ngoài chương trình. Trong chương trình cơ bản của Bộ GD-ĐT chỉ có đồ thị hàm bậc nhất trên bậc nhất, bậc ba và bậc bốn trùng phương. Nâng cao thì thêm bậc hai trên bậc nhất. Nhưng trong đề thi thì hỏi hàm số bậc nhất chia cho căn thức, một kiến thức mà trong chương trình phổ thông không có. “Với đề minh họa này, tôi cho rằng điểm từ 5 - 8 sẽ phổ biến. 10 thì có thể cũng ít, nhưng 9 chắc chắn là khá nhiều”, ông Bằng nhận xét.

tin liên quan

Có thể chỉ dùng kết quả môn toán để sơ tuyển
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng đề minh họa môn toán nhìn chung ổn nếu chỉ tính đến mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, nhưng nếu dùng để tuyển sinh ĐH thì có vấn đề cần phải bàn. 

Đủ điều kiện xét tuyển ĐH
Trong khi đó, GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) thì nhận định: “Đề minh họa môn toán khá ổn. Câu hỏi không bị quá máy móc và HS cũng cần phải tư duy mới làm đúng được. Không thể nhờ đoán mò mà làm tốt đề thi này. Trong 90 phút, nếu HS làm đúng đến 90% số câu hỏi thì chứng tỏ kiến thức cơ bản vững, hoàn toàn đủ năng lực để học tiếp ở đại học, ngay cả các trường tốt”.
Ông Trần Đình Nam (Trường THPT Yên Dũng số 3 - Bắc Giang) cho rằng đề minh họa môn toán đã có sự phân hóa phù hợp với các mức độ nhận thức của HS. “Tổng số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 30 câu tương ứng với 60% số câu hỏi của đề thi minh họa. Do đó, với HS có lực học trung bình - khá ở trường chúng tôi cũng có thể làm được từ 5 - 6 điểm. Mức điểm này đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp lớp 12 và có thể đạt điểm để xét tuyển vào một số trường ĐH”, ông Nam nói.

tin liên quan

Dạy học theo đề minh họa
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, các sở GD-ĐT và các giáo viên trường THPT đã bắt tay vào việc lên kế hoạch ôn tập cho học sinh theo cách ra đề mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.