Đề thi dự bị môn ngữ văn tốt nghiệp THPT: Học cách cho đi và nhận lại

12/08/2020 10:21 GMT+7

Đề thi dự bị môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT gợi cho học sinh suy nghĩ về sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống cũng như sức mạnh của tình đoàn kết.

Do lỗi coi thi của giám thị (ký nhầm vào ô giám khảo trong tờ giấy thi của thí sinh) nên một phòng thi ở hội đồng thi tỉnh Bắc Ninh đã phải thi lại bằng đề dự bị môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 11.8.
Đây là một thiệt thòi cho các thí sinh ở hội đồng thi này, nhất là về mặt tâm lý. Tuy nhiên, khi đọc đề thi dự bị môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi thấy an tâm phần nào cho các thí sinh.
Đề thi dự bị tương đương với đề chính thức thi ngày 9.8 vừa rồi. Ở phần đọc hiểu (3 điểm), cả 4 câu hỏi đều có cách hỏi tương tự. Câu 1 cũng yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt; câu 2 và 3 cũng cần bám sát vào văn bản để trả lời; câu 4 cũng là câu hỏi bày tỏ ý kiến đồng ý/hoặc không và lý giải. Tuy nhiên văn bản đọc hiểu nhẹ nhàng hơn: từ sự “hòa hợp các kỹ năng về tự chủ và hỗ trợ lẫn nhau theo bản năng” của thiên nhiên (đàn chim bay trên bầu trời) mà liên hệ đến vấn đề con người (học cách cho đi cũng như nhận lại).

Đề dự bị môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Chụp màn hình

Ở câu hỏi viết đoạn văn ngắn (2 điểm), đề yêu cầu bàn về sức mạnh của sự đoàn kết trong cuộc sống rút ra từ văn bản. Đây là đề tài quá quen thuộc với thí sinh, nên không có gì khó khăn.
Riêng câu nghị luận văn học (5 điểm), đề cũng yêu cầu phân tích đoạn thơ (8 câu đầu trong đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu). Câu này cũng nhẹ nhàng vì đoạn thơ này ngắn, không phải quá dài và sợ không phân tích hết ý như đề thi chính thức.
Trong tình hình chung còn nhiều địa phương chưa thi tốt nghiệp THPT năm nay vì dịch Covid-19, mà phải chờ thi lần 2 sắp tới, cùng với đề thi chính thức, đề dự bị môn ngữ văn cũng là một “lưu ý” thêm cho học sinh khi ôn bài thi.

Sĩ tử gửi lời cảm ơn thầy cô, ba mẹ sau khi hoàn thành "kỳ thi lịch sử"

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.