Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Môn toán vẫn có câu 'tư duy tim đập mạnh'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
04/04/2020 10:24 GMT+7

Đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn toán nhìn chung dễ thở hơn so với năm ngoái, nhưng có 15 câu cuối hơi 'mệt mỏi' và một vài câu 'tư duy tim đập mạnh'.

Đó là nhận xét của tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM và ông Lê Quốc Trung, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang về đề toán tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố hôm 3.4.

Cần "tập trung đánh mạnh" 13 câu hàm số

Chia sẻ về cấu trúc đề tham khảo môn toán năm nay, tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết đề gồm có 8 chủ đề, bao gồm tổ hợp - xác suất, dãy số - cấp số, hình học không gian, hàm số, mũ-logarit, nguyên hàm - tích phân, số phức và tọa độ Oxyz.
"Trong đó, tổ hợp - xác suất gồm 1 câu nhẹ nhàng về quy tắc đếm và 1 câu về xác suất có tư duy. Chủ đề dãy số - cấp số cũng gồm 1 câu về cấp số tương đối nhẹ nhàng. Phần hình học không gian có 8 câu có lý thuyết và các bài tập cốt lõi liên quan góc, khoảng cách, diện tích, thể tích trong HHKG lớp 11 và chương 1 HHKG 12. Theo chúng tôi, những bài này đề thi nên có sẵn hình vẽ (như nhiều bài trong đề minh họa đã có), vì vẽ hình thực ra rất lâu, không thật phù hợp với trắc nghiệm", tiến sĩ Trần Nam Dũng nhận định.
Theo ông Lê Quốc Trung, ở chủ đề hàm số có 13 câu liên quan nhận dạng đồ thị, tương giao, đơn điệu, cực trị, max-min, tiệm cận... nằm trong chương 1 sách Giải tích 12. "Ở phần này, học sinh tuyệt đối lưu ý max-min hàm trị tuyệt đối, đơn điệu và cực trị hàm ẩn, và cần "tập trung đánh mạnh cái này như chương trình chống virus Corona chủng mới của Chính phủ", ông Trung hài hước so sánh.
Ở phần mũ-logarit gồm 8 câu, tiến sĩ Nam Dũng cho rằng phần này có câu nhìn vào là tô, cũng có vài câu "tư duy tim đập mạnh". Đối với nguyên hàm - tích phân gồm 7 câu khá "nhẹ nhàng, tình cảm, đầy yêu thương". Nhưng cũng có vài câu mang tư tưởng hàm ẩn ở nội dung này. "Do đó, học sinh cần nghiên cứu vắc-xin 'tích phân hàm ẩn' sớm nếu muốn giải quyết tận gốc mấy câu khó nhằn này", tiến sĩ Dũng tiếp tục dí dỏm.
3 câu ở chủ đề số phức và 8 câu chủ đề toạ độ Oxyz, theo ông Lê Quốc Trung, cũng hết sức nhẹ nhàng, không "khó trời gầm" như mấy đề thi thử và nhìn nhận nếu học sinh không làm được mấy câu đơn giản này thì đúng là "phức tạp" rồi.

Nên giảm bớt độ khó ở 15 câu cuối

Tiến sĩ Trần Nam Dũng kết luận: "Tóm lại đề thi toán năm nay không có phần nào lấy từ chương trình lớp 10. Các chủ đề của lớp 11 như dãy số, tổ hợp xác suất xuất hiện rất ít. Log-mũ ra nhẹ nhàng. Các chủ đề thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12 như số phức, nguyên hàm - tích phân và phương pháp tọa độ trong không gian được giảm nhẹ về độ khó. Nặng nhất vẫn là phần ứng dụng đạo hàm và hình học không gian (nằm giữa lớp 11 và 12)".
Về mức độ phân loại, tiến sĩ Dũng cho rằng 35 câu đầu ở mức độ 1, 2, trong đó có nhiều câu có độ dễ giống như... 5 câu đầu tiên trong chương trình Ai là triệu phú, còn 15 câu sau đúng là những câu "khẩu vị", tuỳ sở trường dành cho học sinh khá giỏi. "Theo tôi, nên bỏ bớt mấy câu đầu vì nó dễ tới mức không cần thiết đưa vào đề, đồng thời giảm bớt độ khó của 15 câu cuối sẽ hợp lý hơn", tiến sĩ Dũng đề xuất.
Tương tự, ông Lê Quốc Trung đánh giá: "Đề tham khảo môn toán như vậy là dễ thở hơn với năm ngoái, nhưng không dễ đến nỗi không học cũng qua. Chắc chắn 15 câu cuối cũng khiến học sinh tương đối mệt mỏi. Tuy nhiên, đề này sẽ cho các em một định hướng rõ hơn để tập trung ôn tập cũng như bổ túc phần kiến thức học kỳ 2".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.