Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Các môn xã hội không làm khó thí sinh

Bích Thanh
Bích Thanh
04/04/2020 11:02 GMT+7

Các yêu cầu của đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 các môn xã hội không làm khó thí sinh, phù hợp với việc tinh giản chương trình do học sinh phải nghỉ học kéo dài vì Covid-19 .

Đề văn không mang tính đánh đố

Với đề tham khảo môn ngữ văn, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét, cấu trúc và cách hỏi của đề không gây bất ngờ vì tương tự như năm trước. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lấy tư liệu, dẫn chứng là văn bản văn xuôi khác với đề thi 2 năm gần đây lấy dữ liệu là văn bản thơ.

Cũng theo thầy Đức Anh, trong khi cách đặt vấn đề của nghị luận xã hội khá thú vị thì câu hỏi nghị luận văn học lại cũ kỹ, cả về nội dung và hình thức hỏi tạo cảm giác như đang đọc đề thi của 10 năm về trước. Và như vậy thì khó hy vọng học sinh thể hiện tư duy sáng tạo khi làm bài dù thực tế thang điểm của Bộ bao giờ cũng dành điểm cho yếu tố này.

Ở khía cạnh khác, cô Hồ Ái Linh, Trường THPT Đào Duy Anh (Q6.TP.HCM) nhận xét đề nhẹ nhàng và đầy tính nhân văn. Về mặt nội dung: Phần đọc - hiểu cũng theo cấu trúc của các năm trước bao gồm có 4 câu hỏi nằm trong 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, nội dung trích dẫn có sự sáng tạo, lôi cuốn. Đặc biệt đoạn văn có nội dung rất gần gũi với học sinh khi nhắc đến hình ảnh của người anh hùng và làm cho chúng ta liên tưởng đến những người hùng đặc biệt trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay. Đó là Đảng, Nhà Nước, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quốc phòng, lực lượng công an nhân dân...

Phần làm văn: ở câu hỏi Nghị luận xã hội, đề tham khảo vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện của câu hỏi này so với đề thi THPT quốc gia năm 2019. Học sinh vẫn được yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ nghị luận về một vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần Đọc hiểu. 

Câu nghị luận văn học năm nay vẫn nằm trong chương trình của lớp 12.Tuy nhiên, mức độ vận dụng của đề được đánh giá là dễ hơn so với đề thi chính thức năm 2018, 2019. Nếu như các năm trước có các vế câu hỏi phụ nhằm mục đích để phân loại học sinh để xét tuyển đại học thì năm nay đề thi chỉ gói gọn ở một vấn đề và không mang tính đánh đố. Đề thi không quá dài và đảm bảo thời gian học sinh hoàn thành.

Các câu hỏi phân loại thuộc phần lịch sử Việt Nam

Với đề tham khảo môn lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) thống kê, đề năm nay, phần lịch sử thế giới có 12 câu còn lịch sử Việt Nam có 28 câu (giống tỷ lệ đề chính thức năm 2019) trong đó kiến thức lớp 11 có 2 câu (giảm 2 câu so với đề thi chính thức 2019) còn lớp 12 có 38 câu chiếm 95% số lượng câu hỏi của đề. Cụ thể câu hỏi kiến thức học kỳ 1 là 31 câu (tăng 4 câu) còn học kỳ 2 là 7 câu (giảm 2 câu) so với đề năm 2019. Và trong 40 câu hỏi của đề, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 75% (30 câu) và mức độ vận dụng là 25% (10 câu).

Từ đó, thầy Thịnh nhận xét, đề tham khảo môn sử hoàn toàn bám sát sách giáo khoa, nhẹ nhàng, phù hợp tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, học sinh chú trọng ôn tập các nội dung lịch sử Việt Nam 12 từ năm 1919-1954. Các câu hỏi phân loại, vận dụng cao chủ yếu thuộc phần lịch sử Việt Nam, thí sinh xét tuyển ĐH nên ôn tập kỹ.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề sử khá ôm đồm và dàn trải kiến thức, lượng kiến thức nhiều nhưng lẻ tẻ. Đặc biệt, giáo viên này cho biết đọc đề thi mà có cảm giác Bộ đang kiểm tra giáo viên xem có dạy hết chương trình hay không vì có những chương, những nội dung Bộ giảm tải phần 1 và cho câu hỏi vào phần 2. Với mức độ yêu cầu như đề minh hoạ, phổ điểm sẽ dao động từ 2 - 2,5 điểm, thấp hơn năm ngoái với phổ điểm là 2,5 - 4 điểm.

Môn địa cần thực hành và tập trung ôn tập theo chủ đề

Với đề tham khảo môn địa lý, cô Vũ Thị Bắc, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét cấu trúc đề địa gần giống năm 2019, độ phân hóa cao, thể hiện rõ sự phân hoá 3 mức độ biết, vận dụng thấp, vận dụng cao (tư duy)

Kiến thức tập trung chủ yếu vào phần địa lý các ngành kinh tế và các vùng kinh tế với 2 mức độ chủ yếu là vận dụng thấp và vận dụng cao. Phần kỹ năng đọc Atlat và biểu đồ chiếm đến 15/40 câu, nếu học sinh biết sử dụng Atlat có thể làm tốt phần này. Đặc biệt chương trình 11 có 2 câu rơi vào phần kỹ năng nên học sinh cũng không phải nhớ nhiều. Địa lý tự nhiên và dân cư chiếm số lượng ít, khoảng 7/40 câu.

Với đề minh họa môn địa lý khó có thí sinh đạt điểm 10, tuy nhiên, nếu ôn tập tốt Atlat, thực hành và tập trung ôn tập theo chủ đề thì sẽ dễ lấy điểm cao hơn.

Với đề tham khảo môn GDCD, cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết đề chỉ yêu cầu học sinh nắm kiến thức cơ bản, vận dụng cao không nhiều. Có khoảng 4 câu hỏi về phần kiến thức lớp 11 ở chủ đề Công dân với kinh tế, còn lại các câu hỏi tập trung vào kiến thức lớp 12, học sinh vận dụng kiến thức và hiểu biết từ thực tiễn để giải quyết các tình huống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.