Để phong trào thi đua trường học có giá trị giáo dục

08/10/2018 09:32 GMT+7

Bài viết Chỉ tiêu… không thật của nhà báo Vũ Hân trên Báo Thanh Niên ra ngày 1.10 đề cập đến những con số ảo - một vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay - đặc biệt là trong ngành giáo dục.

Nói về những phong trào thi đua trong các trường mà từ lâu đã đi vào lối mòn gây không ít phiền hà thậm chí chán nản cho những ai làm công tác chủ nhiệm vì những điều bất cập và vô lý... Chẳng hạn giải Lê Quý Đôn. Phải thừa nhận nội dung các đề môn văn, toán, tiếng Anh trên Báo Khăn Quàng Đỏ khá hay và có đầu tư nhưng việc tổ chức lại mang tính gượng ép, thậm chí bắt buộc học sinh và cả giáo viên tham gia. Giáo viên giải đề - hay hướng dẫn - còn học sinh đua chép và nộp đủ chỉ tiêu nếu không muốn bị trừ điểm thi đua lớp.

Trong các nhà trường có rất nhiều phong trào với tên gọi thật ý nghĩa, nhưng cách làm lại thiếu tính giáo dục theo đúng mong muốn. Ví dụ thay cho thu gom giấy vụn ve chai, tiết kiệm giấy tập, mỗi học sinh cứ nộp một số tiền theo đúng sĩ số lớp là xong.
Phong trào nuôi heo đất ngẫm lại thấy mất nhiều hơn là được. Vào ngày hội đập heo, lớp trưởng đi thu mỗi bạn một số tiền rồi nhét vội vào heo được phát sẵn, sau đó lên sân khấu đập.
Đâu là tính giáo dục trẻ nhỏ khi mọi phong trào đều quy ra tiền và xếp thi đua cũng theo giá trị đó?
Nhà trường là nơi giáo dục toàn diện cho học sinh nhưng tổ chức như thế nào để nội dung và hình thức đều phải mang tính thiết thực, có tính giáo dục để mỗi học sinh đều cảm nhận được giá trị nhân văn từ các hoạt động tập thể ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.