Đề nghị giảm tải những nội dung trùng lắp ở nhiều môn học khác nhau

24/03/2020 11:09 GMT+7

Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia , hiện nay giáo viên và học sinh đang trông chờ hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ GD- ĐT.

 Từ những nội dung giảm tải chương trình, nhà trường xây dựng lại kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp với thời gian còn lại nhất là chọn lọc nội dung dạy để học sinh chuẩn bị tốt kiến thức bước vào kỳ thi tuyển sinh đối với lớp 10 và thi THPT quốc gia.

Việc thực hiện giảm tải chương trình là điều tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay tuy vậy không sao tránh khỏi lo lắng của thầy cô, học sinh đó là chương trình sẽ giảm tải phần nào, kiến thức gì? Vì thế Bộ nên sớm có hướng dẫn cụ thể để thầy cô chủ động trong việc dạy học.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước thầy cô thực hiện dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình… trong thời gian học sinh nghỉ học chống dịch rất băn khoăn không biết những nội dung đã ôn tập dã dạy kiến thức mới có nằm trong phần giảm tải không để khỏi bị “thừa”.

Về pháp lý, việc giảm tải chương trình cần thực hiện thống nhất trên cả nước vì chúng ta đang thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa nên việc này rất thuận lợi. Bộ GD- ĐT cần có chủ trương giảm tải theo yêu cầu của Thủ tướng đó là: “Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập…” Đây là cơ sở pháp lý để Bộ GD- ĐT thực hiện việc tinh giảm nội dung chương trình từ lớp 1 đến lớp 12.

Về nguyên tắc giảm tải, nên giảm tải số tiết học trong học kỳ 2 sao cho phù hợp với thời gian thực học còn lại của học sinh (14 tuần) không nên cắt giảm máy móc, cơ học, phải đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình theo quy định của luật Giáo dục, đảm bảo tính logic của kiến thức…

Nội dung giảm tải, là điều quan trọng nhất nhằm giúp học sinh không bị mất kiến thức cơ bản, trọng tâm đồng thời tránh để học sinh bị thiệt thòi, thiếu công bằng, khó liên thông giữa các kiến thức/khối lớp/cấp học khi học sinh học nối tiếp lên… Cụ thể, giảm tải những nội dung trùng lắp trong chương trình, sách giáo khoa của nhiều môn học khác nhau. Những nội dung, bài tập, câu hỏi vận dụng kiến thức quá khó không phù hợp với trình độ, nhận thức của học sinh…

Về đề thi cần phải bám sát chương trình dạy học thực tế tránh ra phần kiến thức đã được giảm tải, thực hiện theo nguyên tắc “thi gì học nấy” giúp giảm áp lực căng thẳng trong học hành thi cử cho học sinh trong mùa dịch bệnh. Riêng đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thì tùy vào tình hình cụ thể từng địa phương nhất là chỉ tiêu tuyển sinh nên thực hiện xét tuyển hoặc thi tuyển cho phù hợp.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.