Đề môn toán phân hóa rất rõ

02/07/2016 05:19 GMT+7

Đề thi năm nay có 10 câu bao gồm 13 ý. Nhìn chung, đề thi năm nay phân hóa thí sinh (TS) tốt hơn đề thi năm ngoái. Nâng độ khó của các câu dễ, giảm độ khó của các câu phân loại để lấy 8 - 9 - 10 điểm.

Câu I, gồm 2 ý. Ý 1: tìm phần thực và phần ảo của số phức. TS chỉ cần thực hiện một bước tính toán sau đó kết luận là đã kiếm được trọn điểm câu này. Mọi HS lớp 12 có lẽ đều giải được trọn vẹn ý này. Ý 2: tính giá trị của biểu thức lôgarit. HS trung bình vẫn có thể giải câu này dễ dàng.
Câu II, khảo sát và vẽ đồ thị của hàm trùng phương. Đây là một hàm số dễ vẽ đồ thị, hơn nữa lại là câu chắc chắn sẽ có trong đề thi nên tất cả mọi HS đều sẽ dễ dàng làm được câu này.

Câu III, về cực trị của hàm số bậc 3. Câu này không khó, TS sẽ dùng định lý Viét để biến đổi giả thiết về dạng tổng tích. HS trung bình vẫn có thể giải được câu này.
Câu IV, về tích phân, HS phải tách ra thành 2 tích phân nhỏ. Một số HS trung bình sẽ không biết cách tách thành 2 tích phân nhỏ nên có thể sẽ không giải được câu này.
Câu V, hình học tọa độ trong không gian Oxyz, gồm 2 ý nhỏ nhưng rất cơ bản, HS trung bình có thể làm trọn vẹn câu này.
Câu VI, gồm 2 ý. Ý 1: giải phương trình lượng giác bậc hai rất dễ. Ý 2: là một bài toán xác suất, nhiều TS sẽ mắc sai lầm khi tính số phần tử của không gian mẫu vì không cẩn thận để phân biệt giữa việc có thứ tự hay không có thứ tự trong bài toán này.

Câu VII, hình học không gian với hình lăng trụ xiên. Nhiều HS trung bình sẽ gặp khó khăn trong vấn đề vẽ hình và từ đó có thể không giải được câu này. Hơn nữa ở ý thứ hai, không phải là bài toán tính khoảng cách như thường lệ mà là chứng minh vuông góc càng làm cho TS bất ngờ.
Câu VIII, hình học Oxy. Cũng như mọi năm, TS phải nhớ một số kiến thức của hình học lớp 9 thì làm được bài này. So với năm ngoái, câu này có phần dễ hơn.
Câu IX, là một bài phương trình lôgarit với biểu thức lôgarit có chứa căn. Điều này cũng gây bất ngờ cho TS vì năm 2015 trở về trước đây là câu phương trình vô tỷ hoặc hệ phương trình.

Câu X, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất nhưng được tách ra thành 2 ý. Ý 1: khá đơn giản, dùng biến đổi bằng hằng đẳng thức, HS khá giỏi có thể làm được. Ý 2: thực sự khó, tuy nhiên ta sẽ sử dụng một tư duy quen thuộc là đưa bài toán nhiều biến về bài toán một biến, cụ thể ở đây là t = x + y. Câu này chỉ có HS xuất sắc mới có thể làm được.
Nhìn chung, HS trung bình có thể làm 5 điểm, khá có thể làm được 6 - 7 điểm, giỏi có thể đạt được 8 - 9,5 điểm. Chỉ có những HS thực sự xuất sắc mới giải quyết được ý cuối cùng của câu X để đạt được 10 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.