Để môi trường khoa học không bị 'ô nhiễm'

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
18/08/2020 08:28 GMT+7

Những hoạt động phi khoa học như viết thuê bài báo, công bố tập san khoa học 'dỏm'... mà Thanh Niên phản ánh vừa qua đã cho thấy một môi trường nghiên cứu khoa học không lành mạnh.

Làm sao chấm dứt được tình trạng này để có môi trường làm nghiên cứu trong sạch là mong muốn của rất nhiều nhà khoa học chân chính hiện nay.

Nhà khoa học phải luôn “sống”

Theo một nhà khoa học đang công tác tại một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, để hạn chế tình trạng này, bắt buộc nhà khoa học phải luôn “sống”. Nghĩa là ngay cả khi đã được xét phong tặng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), vẫn luôn phải nghiên cứu. Cứ 3 năm phải xét lại xem họ có công trình gì không. Sau một thời gian không hoạt động gì thì phải xét lại mới công bằng. Ở Việt Nam có thực tế nhiều GS, PGS sau khi đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm thì từ đó về sau không nghiên cứu nữa. Nếu đưa ra các chính sách tiếp theo về hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ... thì cũng yêu cầu các GS, PGS phải “sống” liên tục thì mới được làm, nếu không thì không được mời vào các hội đồng.
Còn tiến sĩ H., nhà khoa học đang công tác tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết viết thuê, công bố tập san khoa học “dỏm” không phải là cái gốc của vấn đề. Cái gốc là ở nhiều đơn vị vẫn không tôn trọng bài báo quốc tế. Các đơn vị này chỉ cần người của mình được phong GS, PGS xong là không cần họ đăng bài báo quốc tế nữa. Sự xem thường này khiến cho người làm thuê người viết để đi qua cánh cổng xét duyệt GS, PGS và sau đó không cần làm gì nữa.
“Để không còn tình trạng này thì phải tiến tới quy định GS, PGS phải nghiên cứu và có bài báo liên tục. Cứ một thời gian sẽ xét duyệt lại, nếu không tiếp tục nghiên cứu thì sẽ rút lại chức danh. Như vậy thì không ai bỏ tiền ra thuê viết liên tục được”, tiến sĩ H. cho biết.

Tiến tới giao trường ĐH tự bổ nhiệm GS, PGS ?

Tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự, có bằng tiến sĩ từ ĐH Texas (Austin, Mỹ), cho biết loại trừ tình trạng này khá khó khăn vì từ rất lâu đã tồn tại việc thuê viết luận án tiến sĩ. Bản chất của chuyện viết thuê, đăng tạp chí “dỏm” lấy số lượng công bố... cũng là từ những người như vậy.
“Nếu muốn không còn chuyện này nữa thì tiến tới nên giao việc bổ nhiệm GS, PGS về cho trường ĐH. Ứng viên có tốt hay không trường ĐH sẽ tự biết. Thậm chí với trường công lập tự chủ tài chính hay tư thục, không quản lý được việc này thì sẽ mất uy tín”, tiến sĩ Dự chia sẻ.
Trả lời về biện pháp hạn chế tình trạng này, GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH Công nghệ Sydney, cũng cho biết: “Cách để tránh tình trạng nghiên cứu thuê và viết thuê, ở nước ngoài tiếp cận vấn đề qua 2 cấp: tập san khoa học và ĐH. Đối với tập san khoa học, ban biên tập thường yêu cầu tác giả giải trình đã làm gì trong công trình nghiên cứu và phải ký giấy tuyên bố. Đối với ĐH, các cơ chế phê duyệt một công trình nghiên cứu phải hoàn tất trước khi thực hiện nghiên cứu. Làm được như vậy có thể giảm tình trạng nghiên cứu thuê”.
Theo GS Tuấn, cho đến khi giao việc bổ nhiệm GS, PGS cho các trường ĐH như các nước vẫn làm, Hội đồng cấp nhà nước vẫn phải đảm nhiệm việc xét duyệt công nhận chức danh GS, PGS. Nếu việc xét duyệt chức danh GS, PGS do các trường có đủ nhân sự khoa học đảm nhận thì các trường có thể sẽ làm chặt chẽ hơn vì họ phải trả lương. Hội đồng khoa học của trường bao gồm các GS nước ngoài xem xét và phỏng vấn từng trường hợp. Hồ sơ đều được gửi ra nước ngoài bình duyệt. Ứng viên nào công bố trên tập san “dỏm” sẽ bị phạt, ứng viên nào đăng quá nhiều đáng nghi ngờ thì phải giải trình.
Hướng tới loại bỏ tập san khoa học kém chất lượng
8 hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ NAFOSTED hiện đang tranh luận và bàn thảo về việc lựa chọn danh mục các tập san quốc tế có uy tín mới. Dự kiến đến tháng 9 Quỹ mới có thể có được danh mục này. Về cơ bản, quan điểm của Quỹ và các hội đồng là dựa trên bảng cập nhật của Web of Science, Scopus…, loại bỏ các tạp chí kém chất lượng để hướng tới chất lượng công bố và đảm bảo sự nghiêm ngặt của khoa học.
Liên quan đến tập san truy cập mở (open access), các hội đồng cho rằng truy cập mở là một trong những xu thế xuất bản hiện nay của thế giới nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhà khoa học ở các nước kém phát triển, có thể tiếp cận, tìm hiểu các công trình khoa học mới mà không phải mất phí truy cập. Trong nhiều phiên họp của các quỹ khoa học toàn cầu mà Quỹ tham gia đều có đề cập đến xu hướng này và coi đó là một hình thức xuất bản cần được hỗ trợ, thúc đẩy. Tuy nhiên, thế giới đang thảo luận về việc phân loại tạp chí truy cập mở có bình duyệt và truy cập mở ngụy tạo, “săn mồi”, chỉ quan tâm đến việc thu phí xuất bản nhưng lại sơ sài trong bình duyệt. Do đó, Quỹ cũng ứng xử với tạp chí truy cập mở theo cách như vậy.
Quy định điểm số bài báo khoa học để xét công nhận PGS, GS
Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg “Ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh PGS, GS” có quy định rõ điểm cho bài báo khoa học mang tính chất quyết định.
Ứng viên GS phải có ít nhất 20 điểm công trình khoa học quy đổi. Trong đó, ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học sức khỏe phải có ít nhất 12 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích. Ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao phải có ít nhất 8 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học hoặc (và) giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.
Từ ngày 1.1.2020, ứng viên GS cũng phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Ứng viên PGS phải có ít nhất 10 điểm công trình khoa học quy đổi. Trong đó, ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học sức khỏe phải có ít nhất 6 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Ứng viên thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao phải có ít nhất 4 điểm công trình khoa học tính từ các bài báo khoa học hoặc giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.
Từ ngày 1.1.2020, ứng viên PGS cũng phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.