Để học sinh tự tin nhận xét bạn bè

23/10/2014 05:55 GMT+7

Tham gia hoạt động ở câu lạc bộ của các trường tiểu học là một cách giúp học sinh vừa rèn kỹ năng vừa tự tin nhận xét bạn bè theo như yêu cầu về cách đánh giá mới bậc tiểu học mà Bộ GD-ĐT đang triển khai.

Để học sinh tự tin nhận xét bạn bè
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ sinh hoạt CLB Robotics - Ảnh: L.N.Đ

Gắn kết bằng những tiết học ngoài giờ

Trong phân phối chương trình ở bậc tiểu học, mỗi tuần có từ 2 - 3 tiết dành cho giáo dục ngoài giờ lên lớp. Những tiết học này nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng qua hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, thời gian qua, theo nhận định của nhiều giáo viên, hoạt động này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế, chương trình còn đơn điệu, cứng nhắc. Ở nhiều trường, các tiết học giáo dục ngoài giờ lên lớp chủ yếu dành cho hoạt động bề nổi.

Bắt đầu từ năm học này, khi áp dụng quy chế đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho điểm số, trong đó nâng cao vai trò nhận xét lẫn nhau của học sinh, theo nhiều giáo viên những tiết học này sẽ góp phần phát huy sự sáng tạo, sự gắn kết... trong học sinh.

Học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) tham gia các câu lạc bộ (CLB) Robotics và thành thạo khi điều khiển các robot thông minh. Với vai trò là nhóm trưởng, Phan Thanh Hoàng, học sinh lớp 4/2, rất chững chạc khi tổ chức, hướng dẫn các thành viên lắp ráp sa bàn thành phố cùng với các robot là cảnh sát giao thông, kỹ sư xây dựng… Sau khi lắp ráp mô hình, Hoàng còn đưa ra những nhận xét và điều phối các thành viên đóng góp ý kiến về công việc của các thành viên khác.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Qua sinh hoạt CLB này, các em được rèn kỹ năng phán đoán, tổng hợp, phát triển tư duy sáng tạo rất tốt. Không chỉ áp dụng kiến thức môn khoa học vào sản phẩm của mình mà từ đó các em làm quen dần với việc quan sát, đưa ra nhận xét lẫn nhau hướng tới mục đích để công việc của nhóm tốt hơn”.

Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú) tổ chức CLB tài năng tin học, mỹ thuật, âm nhạc, bóng rổ... Ông Trương Văn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi CLB trung bình có khoảng 40 học sinh tham gia, mục đích là phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, rèn kỹ năng giao tiếp, hợp tác cho học sinh.

Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) cũng thường xuyên có các CLB rèn chữ đẹp, yêu tiếng Việt hay Em yêu lịch sử. Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5) có CLB Em yêu khoa học... Hoạt động của các CLB sẽ giúp học sinh biết cách đánh giá, chất vấn lẫn nhau. Chẳng hạn, trong buổi sinh hoạt CLB Em yêu lịch sử, với mốc lịch sử giáo viên đưa ra, từng nhóm trình bày diễn biến sự kiện, sau đó cùng đánh giá các điểm còn thiếu của từng nhóm để bổ sung. Học sinh khối lớp 4 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1) tổ chức CLB kịch rối, cùng nhau tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Mang tính động viên, khuyến khích

Để học sinh tiểu học có thể đưa ra những đánh giá và nhận xét các bạn trong lớp, theo bà Trần Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú), phải rèn từng bước trong tất cả các hoạt động.

Với học sinh lớp 1, kỹ năng giao tiếp chưa tốt nên có thể việc nhận xét sẽ có những hạn chế. Vì vậy, giáo viên La Thị Thanh Thùy, Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú), chia sẻ: “Từ nhận xét của các em, giáo viên điều chỉnh và hướng dẫn phát triển thêm ý. Nếu các em nhận xét bạn là “sai” thì để giáo viên điều chỉnh sang từ cùng nghĩa là “chưa đúng” và hướng dẫn thêm chưa đúng ở điểm nào…”.

Ngay trong thông tư hướng dẫn việc đánh giá học sinh, Bộ cũng quy định việc đánh giá của học sinh cũng phải có tính động viên khuyến khích chứ không được chê bai, so sánh lẫn nhau. Ở điểm này, giáo viên Tô Ngọc Phương của Q.Tân Phú đưa ra phương pháp: “Ngay bản thân giáo viên cũng không được nhận xét theo kiểu chê bai để học sinh nhìn thấy và làm theo. Trước tiên, trong mỗi tiết học hay tiết sinh hoạt, giáo viên quy ước hoa màu vàng có nghĩa cần sự giúp đỡ, hoa màu đỏ là báo hiệu đã hoàn thành. Khi cả nhóm hoàn thành thì giáo viên cho các thành viên trong nhóm thảo luận và sửa bài, như vậy sẽ dễ dàng nhận biết để đưa ra đánh giá lẫn nhau”.

Qua hoạt động CLB và sinh hoạt theo nhóm, bà Kim Ân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng, cho rằng hình thức này không chỉ giúp học sinh tự tin phát triển năng khiếu mà chắc chắn sẽ dạn dĩ hơn trong quá trình học tập. Đây sẽ là cơ sở để học sinh mạnh dạn đưa ra nhận xét về bản thân và bạn bè xung quanh.

Bích Thanh

>> Đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia có được tuyển thẳng?
>> Cảm hứng cho học sinh miền biển
>> Học kỳ quân đội dành cho học sinh khá, giỏi
>> Ngày hội học sinh tiểu học  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.