Để du học sinh có thể tham gia thực tập có lương

22/05/2018 10:23 GMT+7

Kỳ thực tập có lương Co-op (Cooperative Education Program) là điều mong muốn của nhiều du học sinh. Làm sao để tham gia chương trình này một cách hiệu quả?

Theo trang StudyUSA, tại Mỹ, thực tập có lương là việc không còn xa lạ với sinh viên. Hơn 900 trường ĐH và CĐ của Mỹ cung cấp các chương trình Co-op. Đây là sự hợp tác giữa các trường ĐH và các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp.

Tại một số trường ĐH ở Mỹ, mỗi sinh viên phải hoàn thành chương trình này để tốt nghiệp. Mỗi sinh viên được chỉ định một cố vấn hợp tác và được khuyến khích gặp điều phối viên thường xuyên. Tất cả sinh viên được khuyến khích tham dự một hội thảo để chuẩn bị cho kỳ Co-op.

Chính phủ Mỹ cho phép sinh viên quốc tế có visa F-1 làm việc đến 12 tháng trong chương trình đào tạo thực hành ngoại khóa (Co-op đủ điều kiện trong thể loại này) trước khi lấy bằng cử nhân. Trên thị trường lao động, các doanh nghiệp cũng thường đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp đã tham gia Co-op. Nhiều người nhận được lời mời làm việc toàn thời gian sau khi thực tập.

Theo bà Vũ Thị Hải Anh, Phụ trách tuyển sinh khu vực Đông Á Trường Algonquin College, Canada, có rất nhiều mô hình kết hợp học tập tại trường với thực hành, thực tập tại các công ty, tổ chức, gọi chung là Work Integrated Learning (WIL). WIL có nhiều hình thức khác nhau, tổng thời lượng không được vượt quá 50% thời gian thực học. Đó là thực tập, làm việc tại các công ty, có thể được trả lương hoặc không, thời hạn thường từ 1 tới 3 tháng (internship); Thực tập, làm việc tại các công ty, thường không được trả lương, thời gian thường khoảng trên dưới 1 tháng (Work/Field Placement); Thực tập nghiên cứu dự án cho trường hoặc các công ty, tổ chức, thường không được trả lương, thời gian thường khoảng trên dưới 1 tháng (Applied Research/Project); Thực tập tại các cơ sở y tế, trường học, công sở…, không được trả lương, có thể thực hiện nhiều hơn một lần, thời gian khác nhau tùy theo chương trình (Practicum).

Bên cạnh đó là chương trình thực tập, làm việc tại các công ty, tổ chức được trả lương, thời hạn mỗi kỳ thực tập là một học kỳ 4 tháng (Co-op). Có thể có back-to-back Co-op tức là kỳ thực tập thứ hai, hoặc thậm chí thứ ba, tùy chương trình. Một số học sinh có thể được công ty nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp vì đã chứng tỏ được năng lực làm việc được với công ty sau kỳ Co-op và công ty có nhu cầu tuyển dụng.

Chương trình Co-op thường do sinh viên lựa chọn và phải được khoa chấp thuận. Học sinh phải có điểm GPA đủ (thường là B, hoặc 70%) mới được tham gia chương trình. Sau đó học sinh sẽ được tham gia thi tuyển vào các công việc Co-op đã được trường chấp thuận thông qua hợp tác với các tổ chức đối tác. Hoặc học sinh tham gia xin được việc ở bên ngoài và xin khoa chấp nhận như là một công việc Co-op.

Sẽ có khả năng các bạn theo học chương trình có lựa chọn Co-op nhưng không đủ điều kiện tham gia Co-op (vì điểm GPA thấp), hoặc đủ điều kiện tham gia nhưng không thành công xin tham gia kỳ thực tập có lương. Điều đó cũng có nghĩa là các bạn không được phép xin Co-op work permit (giấy phép làm việc thực tập có lương). Vì thế khi lựa chọn chương trình, bạn không nên chọn một chương trình chỉ vì nó có Co-op. Nếu đã tham gia một chương trình có lựa chọn Co-op thì đừng chủ quan nghĩ rằng mình sẽ có công việc Co-op. Các bạn cần phải nỗ lực trong việc học và thi tuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.