Dễ dãi đầu vào cao học

22/07/2014 09:00 GMT+7

Thực trạng đào tạo thạc sĩ ở nhiều nơi đang đặt nặng số lượng hơn chất lượng. Trong khi đó quy chế đào tạo thạc sĩ mới bắt đầu áp dụng từ tháng 7.2014 có nhiều điểm nới lỏng khiến cho việc tuyển sinh và đào tạo cao học ngày càng dễ dãi.

Dễ dãi đầu vào cao học
Minh họa: DAD

Không cần kinh nghiệm, loại tốt nghiệp

Theo Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo thạc sĩ năm 2014 tăng 5% so với năm 2013. Bên cạnh các học viện, trường ĐH công lập, nhiều trường ngoài công lập cũng đào tạo cao học với chỉ tiêu mỗi trường thấp nhất vài trăm.

Trong khi đó quy chế đào tạo thạc sĩ ban hành ngày 15.5 vừa qua có nhiều thay đổi, khiến đầu vào lại càng dễ dàng hơn. Điều kiện dự thi không bắt buộc thí sinh phải tốt nghiệp loại nào mới được dự thi cao học ngay, về kinh nghiệm làm việc cũng giao cho người đứng đầu đơn vị đào tạo quyết định ngành nào cần, ngành nào không. Trong khi đó, quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2008 thì yêu cầu người có bằng tốt nghiệp loại khá trở lên thuộc ngành đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự thi mới được thi ngay sau tốt nghiệp. Các đối tượng còn lại phải có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với ngành và chuyên ngành đăng ký dự thi.

 

Trường hợp đặc biệt mới đào tạo ngoài cơ sở chính

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chưa tương xứng và chưa đáp ứng yêu cầu. Giải pháp đầu tiên bộ trưởng đưa ra là chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngoài cơ sở chính của nhà trường, một hiện tượng khá phổ biến trước đây. Bộ chỉ cho phép các trường đủ điều kiện được đào tạo tại cơ sở chính (trụ sở của trường), không được mang đi địa phương hoặc doanh nghiệp để tổ chức. Ông Luận nhấn mạnh việc cho phép đào tạo sau ĐH ngoài cơ sở chính nếu có chỉ xem xét với các trường hợp cá biệt, những tỉnh thuộc khu vực thực sự vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, ông Luận cho biết sẽ điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo sau ĐH theo xu hướng giảm dần gắn chặt với các điều kiện đảm bảo chất lượng được nâng lên.

Theo thông báo tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ năm nay, toàn bộ 20 ngành đào tạo thạc sĩ đều không yêu cầu kinh nghiệm công tác chuyên môn. 26 ngành thạc sĩ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng không yêu cầu kinh nghiệm công tác và không phân biệt hạng tốt nghiệp. Cử nhân mới tốt nghiệp cũng có thể dự thi ngay vào tất cả 33 ngành tại Học viện Khoa học xã hội...

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Tùy theo đặc thù từng ngành nghề mà có thể cho phép sinh viên học lên thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp ĐH hay không. Bởi lẽ, sẽ có ngành cần phải có kinh nghiệm làm việc mới phục vụ tốt việc nghiên cứu sau ĐH, nhưng có ngành nếu bị ngưng lại sẽ làm gián đoạn sự sáng tạo nghiên cứu”. Tuy nhiên, quy chế cho các trường tự chủ trong việc này, với áp lực về việc tuyển đủ chỉ tiêu, phần lớn các trường đều không có yêu cầu về kinh nghiệm làm việc.

Được đào tạo ngoài cơ sở chính

Quy chế đào tạo thạc sĩ 2014 cũng đã quy định cụ thể, địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở chính của trường, nơi đã được kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trước khi cho phép mở ngành thạc sĩ. Tuy nhiên, Bộ lại nới lỏng đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng - một hướng đào tạo vừa được bổ sung vào quy chế. Nghĩa là Bộ cho phép các trường, trong trường hợp cần thiết được tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở chính nếu trường có văn bản xin phép.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2011 đã được Bộ cho phép đào tạo thí điểm chương trình thạc sĩ kỹ thuật (ứng dụng) cho địa phương và đặt lớp tại địa phương. Mới đây, trường tiếp tục đào tạo các ngành: công nghệ hàn, kỹ thuật lọc - hóa dầu, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, quản trị kinh doanh tại Trường CĐ nghề Dầu khí. Theo thông tin tuyển sinh đăng trên trang web của trường CĐ này, thí sinh sẽ ôn thi tại Trường CĐ nghề Dầu khí, thi tuyển tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào tháng 7 và thí sinh đậu sẽ học tại trường CĐ ở Vũng Tàu. PGS-TS Nguyễn Đắc Trung, Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chỉ dạy một số học phần ở Trường CĐ nghề Dầu khí, đây là những học phần không cần đến cơ sở vật chất”. Tuy nhiên, trong thông báo tuyển sinh không thấy nói rõ điều này mà chỉ khẳng định địa điểm đào tạo là “Cơ sở Bãi Dâu, Trường CĐ nghề Dầu khí”.

Cũng với định hướng đào tạo thạc sĩ ứng dụng ngành luật học, mới đây Trường ĐH Luật TP.HCM liên kết với Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo  thông báo tuyển sinh, thí sinh đăng ký nơi học tại Trường ĐH Luật hoặc Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Một cán bộ Phòng Sau ĐH của Trường ĐH Luật TP.HCM giải thích: “Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn đề nghị trường mở lớp. Do đó, thông tin tuyển sinh này nhằm mục đích khảo sát xem có bao nhiêu cán bộ của tỉnh có nhu cầu học. Phải có người học thì chúng tôi mới đào tạo. Nếu tỉnh có danh sách, chúng tôi sẽ tổ chức thi đầu vào theo đợt như bình thường, chỉ tiêu cũng nằm trong chỉ tiêu mà trường đã xin Bộ. UBND tỉnh lúc đó muốn đào tạo ở Bà Rịa-Vũng Tàu thì sẽ phải xin phép Bộ”.

Ý kiến

Cần rõ ràng, rành mạch

Việc đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng thì thế giới đã làm từ lâu. Tuy nhiên, ở ta vẫn chưa rõ mục tiêu, chương trình đào tạo, quy trình... Nếu không có sự rõ ràng rành mạch sẽ khiến hai định hướng này trở nên nhập nhằng. Và đáng nói hơn là hai định hướng khác nhau nên đầu vào khác nhau, thời gian đào tạo khác nhau nhưng sử dụng lẫn lộn sẽ gây hậu quả không tốt.

TS Nguyễn Tiến Dũng
- Trưởng phòng Quản trị chiến lược, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Thạc sĩ ứng dụng chỉ dạy thực hành

Với các trường ĐH nước ngoài, việc đào tạo thạc sĩ ứng dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ phục vụ công việc trong thực tế, không theo hướng nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, khi tiếp nhận các đối tượng này vào giảng dạy, các trường phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thạc sĩ ứng dụng chỉ nên làm trợ giảng hoặc giảng viên thực hành, không thể đứng lớp giảng dạy chính thức.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa
- Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Mỹ Quyên - Hà Ánh

>> Nhiều trường ĐH ngoài công lập đào tạo cao học
>> ĐH Anh đào tạo cao học quản trị truyền thông tại VN
>> Đề nghị triển khai chính thức chương trình đào tạo cao học CNTT qua mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.