Dễ dãi đào tạo nhân lực y tế

03/02/2015 05:35 GMT+7

Bức tranh nhân lực ngành y tế không mấy sáng sủa khi chất lượng đào tạo không đồng đều, việc dễ dãi cho phép quá nhiều đơn vị đào tạo khiến các nhà quản lý thừa nhận không kiểm soát được chất lượng.

Bức tranh nhân lực ngành y tế không mấy sáng sủa khi chất lượng đào tạo không đồng đều, việc dễ dãi cho phép quá nhiều đơn vị đào tạo khiến các nhà quản lý thừa nhận không kiểm soát được chất lượng.

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Đây là một trong những trường có điểm đầu vào tương đối cao ở khối ngành này

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Đây là một trong những trường có điểm đầu vào tương đối cao ở khối ngành này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đầu vào đủ loại

Thống kê từ kết quả tuyển sinh hằng năm cho thấy việc tuyển sinh đầu vào với ngành học này rất khác nhau. Trong khi những trường lớn chuyên đào tạo về y - dược đều có mức điểm chuẩn rất cao, thấp nhất cũng phải từ 23 điểm trở lên thì có những trường chỉ tuyển mức 13 điểm, thậm chí chỉ cần xét tuyển học bạ phổ thông cũng có thể vào được.

Những sinh viên tốt nghiệp ra làm bác sĩ vẫn chưa thực sự hoàn hảo về kỹ năng. Bằng cấp thì có nhưng chất lượng chưa đạt. Đặc biệt các trường ngoài công lập thì chất lượng đầu ra càng dễ dãi hơn nên các em gặp nhiều khó khăn trong công việc, và các bệnh viện phải đào tạo lại


Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Phú
Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

Đơn cử năm 2014, điểm chuẩn tuyển sinh vào những trường ĐH chuyên đào tạo y - dược như: Y Hà Nội, Y - Dược Thái Bình, Y - Dược Hải phòng, Y - Dược TP.HCM có mức điểm chuẩn thấp nhất là 24 thì một số trường đào tạo đa ngành chỉ lấy mức điểm khoảng 17 - 18 điểm như các trường ĐH: Võ Trường Toản, Nguyễn Tất Thành, Trà Vinh... Một số trường ngoài công lập còn xét tuyển với mức điểm bằng điểm sàn của Bộ (14 điểm). Thậm chí, có những trường còn tuyển dưới mức điểm sàn như: Tây Đô, Nam Cần Thơ. Một số trường CĐ còn “mời” thí sinh vào học chỉ cần có học bạ trung học phổ thông. Chẳng hạn Trường CĐ Thương mại và Công nghệ Hà Nội thông báo học sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa, mang học bạ đến nộp là có thể đăng ký nhập học ngành dược, điều dưỡng và y sĩ đa khoa…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành y tế, nếu tuyển sinh với mức đầu vào thấp như vậy thì rất khó để đào tạo chất lượng vì ngành y là ngành đào tạo đặc thù.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng: “Những sinh viên theo học nhóm ngành khoa học sức khỏe phải là những người có tư duy tốt, học lực giỏi thì mới có khả năng tiếp thu được những kiến thức sâu về ngành học. Với việc tuyển sinh đầu vào thấp thì sẽ rất khó đào tạo được những bác sĩ, dược sĩ đảm bảo chất lượng”.

“Vườn không nhà trống” cũng mở ngành

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các tiêu chí để mở ngành đối với ngành y - dược không đảm bảo về chất lượng. Hiện tiêu chí mở ngành của Bộ GD-ĐT quy định mỗi ngành học chỉ cần có 1 giảng viên là tiến sĩ, trong khi một mã ngành y có tới 40 chuyên ngành nhỏ bên trong.

Nhiều chuyên gia y tế nhận xét các điều kiện cơ sở vật chất đang bị xem nhẹ. Ông Trần Hùng, Trưởng khoa Dược Trường ĐH Y - Dược TP.HCM, cho biết: “Hiện có nhiều trường mở ngành dược nhưng “vườn không nhà trống”. Khi đoàn thẩm định đến thì họ đi mượn thiết bị về rồi lại chở đi”. Cũng phản ánh thực tế về cơ sở vật chất của các trường mới mở ngành y - dược, ông Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, kể: “Các trường mở ngành trung cấp dược tối thiểu phải có 6 phòng thí nghiệm, nhưng hiện nay điều kiện này không được chuẩn hóa và kiểm tra. Tôi với anh Lợi (ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, PV) đi thẩm định mở ngành ở một trường ĐH tư thục thì thấy phòng thí nghiệm phần lớn chỉ có các chai lọ thủy tinh. Như vậy chưa phải là điều kiện để đào tạo”.   

Nguy cơ thừa

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện các trường ĐH vẫn chú trọng đào tạo mô hình bác sĩ đa khoa chứ không chuyên khoa. Về chất lượng đào tạo, bác sĩ Phú nhìn nhận: “Những sinh viên tốt nghiệp ra làm bác sĩ vẫn chưa thực sự hoàn hảo về kỹ năng. Bằng cấp thì có nhưng chất lượng chưa đạt. Đặc biệt các trường ngoài công lập thì chất lượng đầu ra càng dễ dãi hơn nên các em gặp nhiều khó khăn trong công việc, và các bệnh viện phải đào tạo lại”.

Theo bác sĩ Phú, đào tạo 6 năm ra trường chưa thể trở thành một bác sĩ thực thụ, chưa đủ chuyên môn sâu để đáp ứng được những yêu cầu thực tế. 6 năm học chỉ trang bị được những kiến thức cơ bản, sinh viên cần phải học chuyên sâu thêm từ 2 - 3 năm, và nên học những chuyên ngành mà nhu cầu xã hội đang cần. “Xã hội rất cần những bác sĩ chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, vệ sinh phòng dịch... Nhưng việc học sau ĐH hiện nay chỉ được thực hiện theo nhu cầu của người học hoặc do bệnh viện có nhu cầu cử đi học”, bác sĩ Phú nhấn mạnh.

Về việc tuyển dụng, bác sĩ Phú cho biết: “Hiện nay bệnh viện 115 có hơn 2.000 nhân sự, trong đó bác sĩ là 500, điều dưỡng hơn 1.000. Nhìn chung nhân lực đã tạm đủ để cung ứng, phục vụ người bệnh nên trong thời gian tới sẽ tạm thời không tuyển dụng nữa”.

Lý giải về việc nhiều bệnh viện tạm dừng tuyển dụng nhân lực y tế trong thời gian tới, tiến sĩ, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho rằng có sự bất ổn trong chiến lược đào tạo nhân lực ngành y tế. “Những năm 2000 - 2010 thiếu nhân lực y tế thực sự, đào tạo không đáp ứng được số lượng vì bác sĩ tuổi hưu quá nhiều. Do đó, nhà nước có chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo, mở rộng thêm trường đào tạo kể cả trường ngoài công lập. Trong vài năm tới số lượng tốt nghiệp rất nhiều dẫn đến nguy cơ dư thừa, đồng thời với sự đào tạo tràn lan thì cũng khó đáp ứng được chất lượng”, bác sĩ Siêu phân tích và cho rằng cần có chiến lược đào tạo lâu dài trong vài chục năm chứ không phải chỉ vài năm, để tránh tình trạng khi thiếu thì mở tràn lan, dẫn đến tình trạng dư thừa, sau đó lại siết lại ảnh hưởng đến cả số lượng lẫn chất lượng.

Ra trường, dồn tìm việc ở thành phố lớn

Theo một khảo sát mới thực hiện của Trường ĐH Y - Dược TP.HCM vào năm 2014, có 98% sinh viên ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt và dược sĩ có việc làm ngay sau 3 tháng tốt nghiệp. Các ngành cử nhân còn lại, tỷ lệ có việc làm thấp hơn nhưng vẫn trên 90%. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho rằng các sinh viên chỉ muốn tập trung xin việc tại các thành phố lớn. “Thực ra, nhân lực y tế vẫn còn cần nhiều ở các khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và vùng hải đảo. Còn các thành phố lớn trực thuộc trung ương hoặc thành phố trực thuộc tỉnh, không thiếu”, PGS-TS Tịnh nhấn mạnh.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.