Dạy và học tiếng Anh bị lỗi ở đâu?

27/07/2016 07:44 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hơn 90% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5 (điểm thi trung bình là 3,48 và nhiều thí sinh đạt 2,4 điểm nhất). Còn năm 2015 cũng có hơn 80% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5.

Việc dạy và học tiếng Anh đang bị lỗi ở đâu khi đây là môn học được nhà nước và cả phụ huynh đầu tư rất lớn?
Đánh giá “bệnh” không đúng
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, thành viên Ban Giám đốc Ernst and Young VN, điều này cho thấy cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận Đề án ngoại ngữ 2020. Phải đưa công nghệ vào giảng dạy để giảm chi phí, phải bỏ những định kiến về việc học tiếng Anh.
Cũng theo tiến sĩ Toàn, thời lượng học tiếng Anh chính thức hiện giờ ở cấp tiểu học là quá ít để học sinh (HS) có thể ngấm và sử dụng một cách thành thạo. Một HS tiểu học, hiện giờ mới được học 2 tiết mỗi tuần làm quen cho đến hết lớp 2, và 4 tiết một tuần từ lớp 3. Để sử dụng thành thạo một ngôn ngữ, ngay trong thời kỳ đầu, đứa trẻ phải sử dụng càng nhiều càng tốt.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ, cho biết vấn đề này nằm ở lỗi hệ thống. “Sách giáo khoa không hoàn hảo nhưng không quá tệ, còn được đánh giá “nặng” về nội dung. Nếu HS học hết và nắm được thì không thể kém được. HS có thể không nghe nói được nhưng ít nhất có thể đọc, hiểu, có thể đạt trình độ B1 như chúng ta muốn. Như vậy lỗi không chỉ ở chương trình mà còn do thời lượng học của HS không đủ. Giáo viên thì vô cùng yếu nếu nhìn chung cả hệ thống”, bà Phương Anh nhận xét.
“Chúng ta cứ hình dung việc đi dạy như nuôi bệnh nhân trong bệnh viện. Nếu quá trình dạy đúng, khi xuất viện bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Nhưng HS chúng ta không những không khỏi “bệnh” mà còn có “bệnh” khác vì chúng ta đánh giá “bệnh” không đúng”, bà Phương Anh nói.

Khác về mục đích, yêu cầu
GS-TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo Đề án ngoại ngữ 2020, cho rằng khi bàn đến vấn đề này, rất nhiều người nghĩ ngay đến Đề án 2020 nhưng thật ra đề án hiện tại vẫn chưa vươn đến lớp 12. Tuy nhiên, theo ông Lộc sự kém cỏi về tiếng Anh của HS hiện nay là đương nhiên vì giáo viên không tốt, sự kiểm tra đánh giá môn học này cũng không tốt. Ông Lộc cho biết lúc tiến hành Đề án 2020, ban chỉ đạo có khảo sát năng lực ngoại ngữ giáo viên. Kết quả là chỉ có khoảng 10% đạt, 90% phải bồi dưỡng thêm.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng có lẽ mục đích, yêu cầu, cách tiếp cận, giảng dạy tiếng Anh ở phổ thông quá khác. Ông Lộc cho biết ông chứng kiến rất nhiều trường hợp HS thi các chứng chỉ quốc tế rất tốt nhưng kết quả học tiếng Anh trong trường lại không cao. “Nhưng điều đó không có nghĩa là nước ngoài đánh giá dễ hơn. Nhiều HS giỏi tiếng Anh trong trường phổ thông VN thi các chứng chỉ quốc tế đều không tốt. Quan trọng là nước ngoài dạy tiếng Anh theo triết lý ứng dụng nhiều hơn. Điều này đang được thay đổi theo Đề án 2020 với sách giáo khoa, chương trình, cách tiếp cận mới và đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn có điều kiện giao lưu bên ngoài nhiều hơn, thời lượng học cũng được tăng lên”, ông Lộc nhìn nhận.
Nhiều thí sinh bỏ phần tự luận
Một số hội đồng chấm thi THPT quốc gia phản ánh số bài thi điểm 0 phần tự luận môn ngoại ngữ rất nhiều. Tại cụm thi Hà Tĩnh do Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế chủ trì), có đến 11.684/15.728 bài làm bị điểm 0. Tình hình tương tự ở các địa phương khác.
Lý giải điều này, ông Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng thời gian 90 phút cho đề thi môn tiếng Anh khiến không nhiều thí sinh có thể làm trọn vẹn. “Nếu đề thi dành cho đánh giá HS giỏi, năng khiếu, hay đề thi để tuyển sinh vào ĐH thôi thì thời gian hạn chế có thể giúp phân loại thí sinh tốt hơn. Nhưng đối với đề thi tốt nghiệp như hiện nay, thì thời lượng không đủ khiến thí sinh không có điều kiện thể hiện hết năng lực của mình. Thực tế nhiều thí sinh bị 0 điểm phần tự luận và đa số bỏ trắng bài viết đoạn văn là minh chứng cho điều này”, ông Minh nói.
Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.