Dậy 3 giờ sáng đi xét tuyển

Hôm qua 1.8, ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên ở các trường ĐH trên cả nước cho thấy, thí sinh ở xa vẫn muốn đến tận nơi nộp dù nhiều trường không nhận trực tiếp.
Dù nhà ở Thạch Thành, Thanh Hóa (cách Hà Nội gần 200 km) nhưng Lê Tiến Sơn và một người bạn đã có mặt ở Trường ĐH Thủy lợi để tìm hiểu và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Sơn cho biết thức dậy từ sớm để có thể bắt xe khách lúc 3 giờ sáng. Vì có dự định đăng ký nguyện vọng (NV) 1 vào Trường ĐH Thủy lợi nên Sơn đến thẳng trường.
Hai mẹ con Nguyễn Sơn Lam (ngụ Mạo Khê, Quảng Ninh) khởi hành từ nhà lúc 4 giờ sáng, đến Bến xe Gia Lâm bắt xe ôm đi Học viện Hậu cần để đăng ký NV1. Sau đó, hai mẹ con lại tiếp tục đi thêm 10 km nữa để đến Trường ĐH Bách khoa đăng ký NV2.

Thích trực tiếp hơn trực tuyến
Theo nhiều thí sinh (TS), dù biết có thể ngồi một chỗ truy cập mạng để đăng ký xét tuyển nhưng vẫn thích trực tiếp đến trường. Chị gái của Phạm Huy Hào ở Nam Định cho biết: “Em đến trường trực tiếp nộp hồ sơ để còn hỏi thêm một số thông tin, chẳng hạn nếu không đủ điểm đỗ y đa khoa ở Hà Nội thì trường có tự chuyển về y đa khoa học ở Thanh Hóa không, hay phải đăng ký riêng một NV khác?”.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng lặn lội từ Vinh ra Hà Nội, nhờ chị họ chở đến tận Trường ĐH Dược, dù trường này không nhận hồ sơ trực tiếp. Nga cho biết đã đăng ký một NV vào Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. NV còn lại Nga dự định sẽ dành cho trường dược.
Thí sinh đến tận Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để nộp hồ sơ sáng 1.8 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh đến tận Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để nộp hồ sơ sáng 1.8 Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhân tiện tham quan trường
Có mặt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ngày đầu nộp hồ sơ có 2 mẹ con Bùi Thuận Yến (Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước). Yến được 37 điểm, đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm toán. Yến cho biết: "Điểm của em so với điểm của ngành này năm ngoái cao hơn 4 điểm, em thấy chắc chắn nên nộp hồ sơ luôn ngày đầu. Em vẫn biết có thể nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn muốn lên tận trường nộp cho an tâm, nhân tiện tham quan trường".
Tương tự, Nguyễn Phước Thủy Tiên cho biết thức dậy từ 5 giờ sáng, di chuyển từ Bến Tre lên TP.HCM để nộp hồ sơ. Tiên cho biết việc di chuyển chỉ mất 2 tiếng nên dù có thể đăng ký trực tuyến hoặc bưu điện, vẫn muốn đến nộp trực tiếp để an tâm.

Mới từ sáng sớm 1.8, hội trường chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã xuất hiện nhiều phụ huynh và TS từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Long An... tới để chờ nộp hồ sơ.
Nguyễn Thúy Diễm, đến từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết: “Dù có thể ngồi tại nhà nộp hồ sơ trực tuyến nhưng em vẫn sợ không chắc chắn, lỡ đâu mạng trục trặc, vì thế hơn 6 giờ sáng hai mẹ con em đã chạy xe máy lên đây”. Ngồi ngay bên cạnh, TS Đỗ Văn Tình (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) nói: “Nộp trực tuyến mất thời gian mà không biết thông tin có đến trường hay không. Em làm thử nhưng phải tốn hơn 30 phút chờ đợi xác nhận của Bộ GD-ĐT báo về điện thoại. Em sợ trục trặc nên quyết định chạy đến trường nộp”.
Còn tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thạc sĩ Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ: “Nhiều TS vẫn không tin tưởng lắm vào phương thức nộp trực tuyến nên tập trung đến trường là chủ yếu. Chỉ những TS ở xa mới gửi qua đường bưu điện”.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Cái khó cho TS khi nộp trực tuyến là không thể nộp được lệ phí xét tuyển. Vì vậy, các em vẫn phải mất công ra bưu điện gửi lệ phí về trường hoặc đến tận trường nộp lệ phí. Cách thức nộp hồ sơ qua mạng xem ra không phải là hoàn toàn thuận lợi”.
Không nhận trực tiếp có phạm quy chế?
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, 9 giờ sáng qua, đông đảo TS và phụ huynh vẫn trong tình trạng chờ đợi. Dù TS đến tận nơi nhưng trường không nhận hồ sơ trực tiếp nên phải bố trí sẵn 16 máy tính nối mạng và điểm thu lệ phí để TS có thể đăng ký ngay tại chỗ qua mạng.
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết từ sáng sớm đã có TS từ Quảng Ngãi ra ĐH Đà Nẵng nộp hồ sơ. Rất nhiều TS ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đến nộp trực tiếp dù ĐH này chỉ nhận hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến. Để hỗ trợ TS, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng giúp TS đăng ký trực tuyến ngay tại trường.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Quy chế chỉ quy định việc nhận đăng ký xét tuyển theo 2 phương thức bắt buộc gồm: trực tuyến và qua bưu điện. Trường có thể quy định thêm phương thức khác như nhận trực tiếp tại trường nhưng phải đảm bảo trật tự không gây bức xúc dư luận. Vì vậy, các trường không nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp là không trái quy chế”.
Mạnh dạn nộp ngay ngày đầu
Theo ghi nhận, năm ngoái trong những ngày đầu TS chỉ tìm hiểu thông tin thì năm nay nhiều TS có điểm cao đã mạnh dạn nộp hồ sơ ngay từ đầu.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong buổi sáng đã có khá nhiều TS điểm cao nộp hồ sơ. Sáng qua, nhiều TS trên 27 điểm đăng ký xét tuyển tại trường. Đặc biệt, trong số này có rất nhiều TS chỉ chọn duy nhất ngành y đa khoa để xét tuyển mặc dù đã được cảnh báo nên chọn thêm ngành thứ 2. Cũng như vậy, những TS này chỉ chọn ngành y đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm NV trường thứ 2.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, riêng buổi sáng đã có khoảng 320 TS đến nộp hồ sơ. Đặc biệt, không như các năm trước ngày đầu để tìm hiểu thông tin, năm nay đa số TS đến trường nộp ngay lập tức.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong ngày đầu tiên trường nhận được khoảng 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Còn ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường nhận được khoảng 200 hồ sơ, trong đó hầu hết đăng ký NV1 vào trường.
Trường ĐH Y Hà Nội nhận được ít hơn, khoảng trên dưới 100 hồ sơ. Tuy nhiên, tất cả TS đã đến đăng ký dự tuyển đều có mức điểm cao, khoảng 27 - 28 điểm.
Theo nhận xét của các trường, nhìn chung TS đến nộp hồ sơ dự tuyển ngay trong ngày đầu tiên đều ở mức điểm có khả năng đỗ nếu so với mức điểm chuẩn của từng trường năm ngoái. Chẳng hạn, tại Trường Kinh tế quốc dân, điểm của TS phổ biến ở mức từ 25 điểm trở lên. Một số trường hợp được 27,5. “Những TS nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên thường đã tìm hiểu trước và xác định là sẽ theo học tại trường”, ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, nhận xét.
Đăng Nguyên - Quý Hiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.