Đâu phải cứ học sinh dùng son là xấu!

03/09/2018 09:31 GMT+7

Ở nhà trường phổ thông, bản nội quy học sinh (HS) rất quan trọng. Nó cần thiết trong việc định hướng giáo dục và là cơ sở để xử lý HS nếu vi phạm. Thế nhưng nhìn vào thực tế áp dụng hiện nay, có khá nhiều chuyện để bàn.

Một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 kể rằng: “Năm ngoái, vừa mới nhập học đã phải mời phụ huynh vào xử lý vì HS trang điểm”. “Phụ huynh họ hợp tác chứ?”, tôi hỏi. Thầy này bảo: “Không, mẹ HS này xin cho em được trang điểm khi đi học”. “Sao kỳ vậy, nội quy không cho phép mà?”, tôi tò mò. Thầy giải thích: “Phụ huynh nói đã quen làm đẹp cho con từ nhỏ vì thấy điều này giúp cháu tự tin. Nữ sinh này có mẹ làm nghề trang điểm và thường theo mẹ trong các buổi tiệc. Cuối cùng cũng phải chấp nhận mong muốn của phụ huynh, nhưng kèm theo cam kết là không được lòe loẹt. Và năm nay sẽ kiến nghị nhà trường chỉnh sửa nội quy. Cuối năm, em này học lực xếp giỏi và hạnh kiểm rất tốt”. Thầy giáo này nói thêm: “Đâu phải cứ phấn son là xấu!”.

Câu chuyện son môi trên chỉ là một trong vô số những tình huống khác của việc áp dụng nội quy HS vào thực tế. Chẳng hạn, quy định của nhà trường là HS không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Nhưng giáo viên nước ngoài trong giờ tăng cường tiếng Anh thì khuyến khích các em sử dụng các phương tiện để tra cứu thông tin. Và dĩ nhiên, ở nhiều trường, sự khuyến khích này không được thực hiện.
Có trường hợp, nhiều HS sẵn sàng chấp nhận quay về giữa đường để “hợp thức hóa” bằng đơn xin phép nghỉ học chứ không muốn bị phạt vì lỗi đi học trễ, dù cho lý do đi trễ là chính đáng, bất khả kháng. Đã có trường hợp HS phải chấp nhận vô phép khi tự ý bỏ lớp đi ra ngoài (vì lý do đặc biệt…) do xin phép mà giáo viên không cho, vì theo giáo viên là nội quy không cho phép. Đáng nói nhất là việc coi nội quy như một “công cụ tối thượng”, nên nhiều giáo viên cho trò… học thuộc lòng. Và khi trò vi phạm thì đem nó ra cho chép phạt!
Vì vậy, thiết nghĩ, khi soạn thảo và áp dụng các bản nội quy HS, nhà trường và giáo viên không nên quá máy móc, cứng nhắc mà phải mềm dẻo và linh hoạt. Nên thay đổi theo từng học kỳ, từng năm cho phù hợp với thực tế. Không sao chép mà cần phù hợp với đặc trưng từng trường, từng địa phương… Như thế mới mong đem đến hiệu quả trong việc giáo dục và tạo tâm lý thoải mái, thuận lợi cho người học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.