Đất nước muốn tiến phải có nền tảng khoa học cao

12/07/2016 05:14 GMT+7

Trước sự tiếp nhận nồng nhiệt của nhiều người trong các buổi nói chuyện về thiên văn học, trả lời phỏng vấn với Thanh Niên , Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho rằng đó là điều đáng mừng vì đất nước muốn tiến được phải có nền tảng khoa học cao.

Trở về VN lần này, giáo sư (GS) đã có nhiều buổi nói chuyện với những người quan tâm thiên văn học ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cảm nhận của ông như thế nào?
GS Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về các thiên hà. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến thiên văn học nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó...
Tôi rất hân hoan vì được độc giả trong nước mến mộ, những buổi nói chuyện có rất đông người. Như lần diễn ra ở Quy Nhơn thì đến cả ngàn người. Tôi thấy được sự ham mê của giới trẻ về khoa học và vật lý thiên văn. Mọi câu hỏi được đưa ra đều tốt. Điều thú vị là có cả những độc giả rất nhỏ. Như buổi nói chuyện ở Trung tâm sách Kim Đồng (diễn ra chiều 10.7 - PV), tôi đặc biệt thích thú khi có cháu nhỏ chừng 6 tuổi quan tâm và đặt câu hỏi về lỗ đen và sự hình thành lỗ đen. Khi những người trẻ quan tâm khoa học, đó là điều rất đáng mừng. Bởi tuổi trẻ là tương lai của nước nhà, mà đất nước VN muốn tiến được phải có nền tảng khoa học cao.
Được đánh giá cao trong giới khoa học nhưng GS vẫn chọn viết các sách khoa học thường thức?
Tôi muốn đóng góp cho khoa học khảo cứu và khoa học thường thức. Trong chuyên môn thì cần phải có sự đóng góp tri thức cho khoa học, phải khảo cứu, tìm tòi, và có những công bố với giới chuyên môn. Nhưng các công bố khoa học chỉ có thể đến với khoảng vài trăm người chuyên môn sâu trong lĩnh vực này. Còn các sách khoa học thường thức, tôi viết diễn giải một cách dễ hiểu nhằm phổ biến khoa học cho số đông. Các sách khoa học thường thức này, tôi chọn viết bằng tiếng Pháp vì tôi hiểu được ngôn ngữ này sâu sắc nhất, tôi dễ dùng văn chương để diễn giải các hiện tượng và có thể chuyển tới độc giả những triết lý một cách truyền cảm hơn.

tin liên quan

GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về 'con người và vũ trụ'
Chiều 8.7, GS Trịnh Xuân Thuận (68 tuổi, giảng viên ngành vật lý thiên văn tại ĐH Virginia, Mỹ) đã có buổi nói chuyện, giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Hội trường Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) về chủ đề Con người và vũ trụ: Vũ trụ có một ý nghĩa gì không?


GS có nhận hướng dẫn cho sinh viên, nghiên cứu sinh từ VN không?
Tôi rất vui khi có thể hỗ trợ cho các bạn. Tại Trường ĐH Virginia, tôi nhận hướng dẫn sinh viên làm tiến sĩ và sau tiến sĩ. Nếu các bạn có mong muốn thì có thể liên hệ tôi.
Trong các sách về thiên văn học mà GS đã viết, bên cạnh cái vô cùng lớn là các sao, thiên hà, ngân hà… vũ trụ, còn có những điều lý thú cấp độ nhỏ nhất của sự sống như tế bào, DNA. Tại sao bên cạnh thiên văn học, GS lưu tâm tới các lĩnh vực này?
Điều này rất là thú vị. Các khảo sát về thiên văn học thì không có tâm linh. Còn các nghiên cứu về con người thì có tâm linh. Hướng nghiên cứu có nhiều khám phá trong tương lai là trong lĩnh vực thiên văn học và khoa học thần kinh. Tôi cho rằng sinh học sẽ là lĩnh vực có nhiều khám phá trong 10 năm tới.

Các nhà thiên văn học đi tìm sự sống ngoài trái đất như thế nào?
Đó là đi tìm hành tinh nào có điều kiện tương đối giống trái đất nguyên thủy. Đặc biệt là có nước. Bởi vì nước là môi trường che chở và hình thành sự sống đầu tiên trên trái đất. Các khoa học gia đi tìm cái mới dựa trên nền tảng những cái đã biết. Cũng có thể có những hành tinh hoàn toàn khác trái đất nhưng có sự sống, tuy nhiên đó là cái chưa biết được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.