Đạo văn hay 'trích dẫn chưa chuyên nghiệp'?

24/02/2018 08:55 GMT+7

Học viện Khoa học xã hội đã có thông báo gửi tiến sĩ Hồ Xuân Mai (Trung tâm nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) kết luận về việc tố cáo tiến sĩ Trần Phương Nguyên đạo văn.

Chỉ phạm lỗi kỹ thuật !
Theo kết luận này, ngày 1.11.2017, học viện đã nhận được đơn tố cáo của tiến sĩ Mai tố cáo bà Nguyên đạo văn trong công trình luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội năm 2014. Học viện đã lập Hội đồng thẩm định xem xét luận án tiến sĩ với đề tài Cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại TP.HCM của bà Nguyên. Sau khi thẩm định, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đã kết luận không có việc đạo văn trong công trình này. Đề tài có đóng góp mới, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu... Kết luận chỉ cho rằng luận án chưa chuyên nghiệp trong các trích dẫn từ trang 17 - 24.
Trước đó, vào tháng 6.2017, liên lạc với PV Thanh Niên, tiến sĩ Mai tố cáo luận án tiến sĩ của tác giả Trần Phương Nguyên sao chép nhiều đoạn từ 2 quyển sách Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản (xuất bản năm 1999) và Kế hoạch hóa ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (xuất bản năm 2003) của GS-TS Nguyễn Văn Khang.
Việc trích dẫn chỉ vi phạm lỗi kỹ thuật trích dẫn chứ không đến mức đạo văn
GS-TS Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội
Chiều 22.2, PV Thanh Niên trao đổi với GS-TS Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, đề nghị nói rõ thêm về kết luận: “Luận án chưa chuyên nghiệp trong các trích dẫn”. GS Đức giải thích: “Việc thiếu chuyên nghiệp trong trích dẫn nghĩa là chưa thực hiện đúng chuẩn trong quy định về trích dẫn. Chẳng hạn, trích nguyên văn thì phải để trong ngoặc kép, chú thích phía dưới trang sách. Hoặc nếu có nói theo tác giả khác thì cũng phải có mở ngoặc là xem nội dung này ở đâu. Hội đồng thẩm định đã xem xét kỹ và thấy việc trích dẫn chỉ vi phạm lỗi kỹ thuật trích dẫn chứ không đến mức đạo văn”.
GS-TS Phạm Văn Đức cũng cho biết luận án tiến sĩ này do chính GS-TS Nguyễn Văn Khang làm người hướng dẫn và ông Khang không hề có ý kiến gì trong việc trích dẫn này.
Còn tiến sĩ Trần Phương Nguyên cho rằng hai cuốn sách kể trên đã được GS-TS Khang viết lại thành Ngôn ngữ học xã hội xuất bản năm 2012. Phần giới thiệu các trích dẫn trong luận án, bà đều có nói nội dung đó do ai quan niệm, bao gồm những vấn đề gì. “Thật sự về nội dung lý thuyết tôi không thể nghĩ ra được mà chỉ nêu do ai quan niệm, ai nghiên cứu và có ghi tác giả rõ ràng. Có thể người khiếu tố thấy nội dung đó nhưng không đọc kỹ ở phần trên tôi đã nói rồi”, tiến sĩ Nguyên nói.
“Luận án tiến sĩ này GS Khang là người kiểm duyệt ký vào nội dung. Khi bảo vệ, ông có ở hội đồng và đồng ý thông qua”, bà Nguyên nói thêm. 
Trích dẫn như vậy nghĩa là đạo văn
 
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai
Sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc
Trong khi đó, tiến sĩ Hồ Xuân Mai cho biết ông không đồng ý với kết luận này.
Theo ông Mai, có tới vài chục câu, đoạn trong quyển Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản của tác giả Nguyễn Văn Khang bị bà Nguyên chép lại trong luận án tiến sĩ. Ông Mai cho rằng bà Nguyên đã “đảo lộn, cắt xén và lắp ghép” những đoạn khác nhau nên nếu không tinh ý thì chắc chắn sẽ khó phát hiện.
“Trích dẫn như vậy nghĩa là đạo văn”, ông Mai nhận định và cho biết ông sẽ tiếp tục gửi đơn tố cáo lên Ban Tuyên giáo T.Ư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.