Đào tạo tại chức vẫn bát nháo: Cấp một loại văn bằng, có khả thi?

11/01/2018 08:37 GMT+7

Khi đề xuất các giải pháp nhằm vực dậy chất lượng đào tạo tại chức, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị cần phải cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo khác nhau. Điều này liệu có khả thi trong thực tế ở VN?

Theo Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội), để dẫn đến tình trạng tồi tệ của chất lượng hệ tại chức là do 2 chủ trương sai lầm của lãnh đạo ngành GD-ĐT từ cách đây nhiều chục năm. Thứ nhất là phá vỡ khái niệm tại chức, khi nhà nước cho phép tuyển những học sinh thi trượt ĐH. Thứ hai là mỗi hệ đào tạo có một loại văn bằng riêng.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT có ý tưởng không ghi hình thức đào tạo vào văn bằng. Trong một buổi giới thiệu dự thảo sửa đổi, bổ sung luật giáo dục ĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết tổ soạn thảo đề xuất sửa đổi điều 6 quy định về hình thức đào tạo là tập trung và không tập trung (luật hiện hành gọi là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên).
Theo bà Phụng, cách gọi này có hàm ý chỉ khác nhau về… hình thức đào tạo, còn từ chuẩn chương trình, giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng như nhau. Đây là tư duy trên tinh thần xác định không có 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng thường xuyên. Bằng cấp cũng không phân biệt, cụ thể là không ghi loại hình đào tạo trên bằng nữa.
“Chúng tôi kỳ vọng các cơ sở nếu quan tâm đến chất lượng đào tạo của mình thì sẽ phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả các văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn, không phân biệt tại chức hay chính quy. Bởi văn bằng là lời khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường”, bà Phụng nói.
Buộc các trường phải có trách nhiệm ?

Có lẽ nên lùi lại một vài năm nữa, khi xã hội bớt lộn xộn hơn, nhà nước đưa ra được những công cụ kiểm soát tốt hơn

TS Nguyễn Duy Đạt
 
(Trường ĐH Thương mại)

Theo nhiều chuyên gia, việc không ghi hình thức đào tạo vào văn bằng là văn minh, phù hợp với giáo dục ĐH thế giới. Tuy nhiên, để áp dụng được ở VN thì cần lộ trình, đặc biệt là cần nhiều công cụ quản lý nhà nước hiệu quả chất lượng đào tạo ĐH hình thức vừa học vừa làm.
Theo TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, xét về lợi ích của từng trường ĐH thì việc ghi hay không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng là tương đương. Nhưng nếu xét từ lợi ích dài lâu của hệ thống ĐH, rõ ràng việc không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng là một động thái phù hợp với chủ trương hội nhập thế giới. Việc này cũng sẽ khiến các trường bắt buộc phải có trách nhiệm với văn bằng mà mình phát hành, dù đào tạo bằng hình thức nào.
GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Phải sớm tuyên bố chủ trương thì các trường mới thay đổi, để chuẩn bị cho việc thực hiện một chuẩn đầu ra, dù với hình thức đào tạo nào. Nhất là bây giờ điều kiện tiếp cận giáo dục ĐH của người học là quá dễ dàng, chúng ta không có lý do gì để cho ĐH vừa làm vừa học (VLVH) khác chất lượng kém so với chính quy. Vì cấp 2 loại văn bằng nên trong đầu mọi người mặc định rằng tại chức là nhẹ nhàng, các trường theo đó cũng xem nhẹ. Nhưng khi yêu cầu các trường cùng một chuẩn thì họ sẽ làm khác đi”.
Thời điểm chưa phù hợp để thực hiện
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu Bộ GD-ĐT có chủ trương không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng là phù hợp với cách làm của các trường ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, muốn thực hiện hai hình thức đào tạo chung một bằng thì yêu cầu chất lượng với hai hệ là ngang nhau, nếu thế thì một số trường khó duy trì được hình thức VLVH.
TS Nguyễn Duy Đạt, Trường ĐH Thương mại, cho rằng đây là một chủ trương văn minh nhưng hiện nay chưa phải là thời điểm phù hợp. TS Đạt nói: “Có lẽ nên lùi lại một vài năm nữa, khi xã hội bớt lộn xộn hơn, và nhà nước đã đưa ra được những công cụ kiểm soát tốt hơn”.
Theo ông Đạt, việc để trường ĐH tự chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng văn bằng của hai hình thức đào tạo như nhau là một đòi hỏi có tính thách đố. TS Đạt nói: “Chính sách này sẽ chia ĐH ra làm 2 cực. Một số trường lớn sẽ nghĩ đến việc giữ danh tiếng, nhưng rất ít trường làm được việc này. Phần lớn trường ĐH sẽ tranh nhau để tuyển sinh. Ngay cả những trường có ý thức giữ giá cũng sẽ bị áp lực của việc tuyển sinh chi phối. Nên đừng hy vọng gì vào điều đó cho đến khi chúng ta có một xã hội trật tự hơn”.
GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cũng đồng quan điểm trên, đặc biệt trong bối cảnh ngay cả chất lượng đào tạo chính quy nhiều trường cũng rất thấp. Theo GS Hóa, khi nào nhà nước kiểm định được chất lượng đầu ra của các trường thì hãy nghĩ đến việc để các trường cấp một văn bằng cho các hình thức đào tạo khác nhau. Nếu không thì chỉ càng làm cho việc “mua bằng bán điểm” trở nên thịnh hành, khiến cho chất lượng không đảm bảo.
Ý kiến
Muốn nâng cao chất lượng đào tạo VLVH thì cần phải hạn chế tối đa câu chuyện liên kết đào tạo, bởi việc này làm hại cả hai bên.
TS Hoàng Ngọc Vinh
(nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)
Muốn tạo một sân chơi chung thì cần phải có chuẩn chung. Nếu Bộ GD-ĐT đưa ra được chuẩn chung thì chắc chắn người học sẽ chọn trường để đến học, cho dù yêu cầu cao hơn.
PGS Nguyễn Tiến Dũng 
(Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Bộ GD-ĐT muốn các trường cấp một văn bằng thì cần có những quy định chặt chẽ hơn trong đào tạo hình thức VLVH.
TS Vũ Tuấn Lâm 
(Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông)
Ủng hộ không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng, nhưng với điều kiện của VN thì phải có lộ trình phù hợp khi các yếu tố ở các cơ sở đào tạo chưa đồng đều sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung.
GS Nguyễn Đình Đức 
(Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.