Đào tạo nghề phải đúng với địa chỉ sử dụng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
17/10/2018 15:57 GMT+7

Tại Hội thảo 'Kết nối doanh nghiệp với các trường đào tạo nguồn nhân lực', ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chia sẻ: Hình thức phổ biến và hiệu quả nhất là doanh nghiệp 'đặt hàng' các trường đào tạo, để sản phẩm đào tạo đến được đúng địa chỉ sử dụng.

Sáng nay 17.10, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp với Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các trường đào tạo nguồn nhân lực”. Đến tham dự hội thảo có đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đại diện của các công ty đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP.HCM như Intel, Samsung, Nidec, GES, Allied Technology, Airliquide… và đại diện các trường CĐ, trung cấp trên địa bàn TP.HCM.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra những hạn chế của lực lượng lao động vừa tốt nghiệp như còn thiếu kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ làm việc, tinh thần học hỏi còn thấp... Các doanh nghiệp đồng thời cũng thông tin về nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp mình trong thời gian tới nhằm giúp các trường nắm được dữ liệu để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo sát với thực tế, từ đó kết nối với doanh nghiệp để xúc tiến những đơn đặt hàng đào tạo cụ thể.

Trước những nhận định của doanh nghiệp về việc lao động thông qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị các cơ sở đào tạo cần có sự nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội trong việc biên soạn chương trình; lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các nhà sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường.

“Đây là cách thức rất hiệu quả để nhà trường nắm được nhu cầu thực tế, từ đó bổ sung, điều chỉnh kiến thức chuyên môn cũng như tư chất, đạo đức và các kỹ năng mềm khác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua sự liên kết, hợp tác này, chương trình đào tạo sẽ luôn được điều chỉnh, cập nhật được cái mới, hiện đại hơn, thích ứng hơn với trình độ công nghệ mới, nâng cao được năng lực cạch tranh, tính sáng tạo của sinh viên. Ngoài việc đầu tư hỗ trợ cho nhà trường, các doanh nghiệp còn phải tham gia trực tiếp vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, mà hình thức phổ biến và hiệu quả nhất là 'đặt hàng' đào tạo, để sản phẩm đào tạo đến được đúng địa chỉ sử dụng”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Lâm cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tiếp tục kết hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao (thông qua Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao) TP.HCM để có những hoạt động nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, từ đó giúp thu ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng cho các doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.