Đào tạo ĐH có thể còn 3 năm: Ngành đặc thù quy định riêng?

09/11/2016 08:01 GMT+7

Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo ĐH có thể trong 3 năm. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều trường, quy định này không áp dụng được với những ngành đặc thù.

Y khoa theo mô hình 4+2 hay 6+3?
Theo ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua, Chính phủ cũng như Hội đồng Đổi mới giáo dục quốc gia nghiên cứu rất nhiều về khung cơ cấu, khung trình độ quốc gia, lần đầu tiên có đề cập tới vấn đề đào tạo đặc thù, trong đó có trường hợp của ngành y.
Theo đó, Chính phủ đã chấp nhận trong đào tạo ngành y có 2 hệ thống năng lực riêng biệt: nghiên cứu và khám chữa bệnh. Để đào tạo được bác sĩ, các trường ĐH y bắt buộc phải chấp nhận mô hình đào tạo đặc thù của ngành. Từ trước đến nay, mô hình đào tạo của ngành bác sĩ đa khoa vẫn là 6 năm. Tuy nhiên, để chuẩn hóa và tạo được sự liên thông với khung trình độ năng lực mà Chính phủ vừa ban hành, hiện Bộ Y tế đã đề xuất lên Chính phủ một mô hình đào tạo. Theo đó, đào tạo y đa khoa sẽ có mô hình 4+2. Trong đó 4 năm đầu là đào tạo cử nhân y khoa, sau đó phân luồng thành 2 nhánh. Nhánh một được cấp bằng cử nhân và có thể đi làm các công việc trong ngành y (chẳng hạn y tế công cộng) nhưng không được khám chữa bệnh, nhánh hai học thêm 2 năm để trở thành bác sĩ đa khoa.

PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên cũng cho biết tất cả các thành viên trong hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y đều hoàn toàn nhất trí quan điểm mô hình đào tạo 4+2 với bác sĩ đa khoa. “Rút ngắn thời gian đào tạo ngành y chưa bao giờ là vấn đề được ưu tiên xem xét trong giới lâm sàng (thực hành) cũng như giới học thuật. Chương trình đào tạo của ngành y rất nhiều môn, nhiều học phần. Nếu dồn ép thời gian thì chất lượng sẽ có vấn đề”, ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, thì cho rằng mô hình đào tạo ngành y lý tưởng là phải lâu dài và liên tục, dù có thể chưa triển khai được ngay nhưng vẫn nên có định hướng từ bây giờ. Mô hình hội nhập thế giới mà Bộ Y tế đang đề xuất là 6 năm (bác sĩ đa khoa) + 3 năm (chuyên khoa). Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết ông hoàn toàn đồng tình mô hình đào tạo ngành y 6+3 nhưng vào thời điểm này nếu theo đuổi mô hình đó thì chắc chắn chúng ta chưa đủ lực lượng khám chữa bệnh cho toàn hệ thống.
PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết hiện ngành y đa khoa của tất cả trường y trong cả nước có thời gian đào tạo 6 năm, các ngành cử nhân 4 năm. Như vậy, việc đào tạo ngành y đa khoa không thể áp dụng theo đúng khung 3 - 5 năm như quyết định vừa ban hành mà cần một khung riêng. Theo đề xuất của nhóm các trường đào tạo ngành này, để đáp ứng hội nhập quốc tế, việc đào tạo bác sĩ nên theo mô hình mới là (4+2) + 3, Nghĩa là 4 năm đầu tương đương với cử nhân, 2 năm sau tương đương thạc sĩ. Khi tốt nghiệp chương trình 6 năm, người học sẽ nhận bằng bác sĩ y khoa. Sau đó, theo quy định hiện hành, sinh viên tốt nghiệp phải tiếp tục thực hành 18 tháng dưới sự giám sát mới được cấp chứng chỉ hành nghề và được phép hành nghề độc lập. Các trường y cũng đang đề xuất là các bác sĩ sau khi tốt nghiệp nếu đi theo hệ thực hành thì tiếp tục học thêm 3 năm để trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp 1.

tin liên quan

Phụ huynh gửi đơn đòi giải thể Trường ĐH Tân Tạo!
Lần đầu tiên tại một trường ĐH, hàng chục phụ huynh gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh đề nghị giải thể trường. Sinh viên (SV) cũng gửi đơn kêu cứu, xin được chuyển sang học tại trường khác.

Kiến trúc, văn hóa khó rút ngắn ?
Theo thạc sĩ Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH là cần thiết và phù hợp với xu hướng thế giới. Việc rút ngắn thời gian sẽ giúp người học và xã hội tiết kiệm nhiều chi phí, thời gian và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng đồng loạt với tất cả các ngành bởi lẽ một số ngành đặc thù cần thời gian đào tạo dài hơn mới đảm bảo được đầu ra.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hiện đào tạo 4 năm với nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng và 5 năm với ngành kiến trúc và kỹ thuật. Thạc sĩ Ninh Quang Thăng cho rằng có thể rút ngắn thời gian đào tạo của các ngành kỹ thuật xuống dưới 5 năm. Riêng ngành kiến trúc, theo ông Thăng, trước khi rút xuống 5 năm như hiện tại, ngành này từng có thời gian đào tạo 6 năm. “Rút ngắn hơn nữa thời gian đào tạo với ngành kiến trúc sẽ rất khó bởi khối lượng kiến thức mà một kiến trúc sư cần được trang bị khá nhiều. Hiện với 150 tín chỉ, mỗi năm sinh viên ngành này phải hoàn tất 30 tín chỉ. Trong đó, đồ án tốn nhiều thời gian và công sức, ngoài 30 - 45 tiết trên lớp sinh viên còn phải tự làm việc thêm 30 tiếng bên ngoài. Vì vậy, không thể sắp xếp nhiều hơn số lượng 30 tín chỉ cho mỗi năm học vì cường độ làm việc của sinh viên như hiện tại đã khá nặng nhọc”, thạc sĩ Thăng cho hay.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết thời gian đào tạo vẫn giữ nguyên 4 năm với tổng số 130 tín chỉ nhưng điều chỉnh nội dung. Trường sẽ đưa tiếng Anh vào giảng dạy chính khóa, lược bớt phần kiến thức đại cương ít liên quan đến lĩnh vực đào tạo.

Ý kiến
3 năm là hợp lý
Với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ đào tạo là điều cần thiết. Thực tế hệ thống tín chỉ hiện tại chưa phát huy hết khả năng nên còn nhiều thời gian trống trong chương trình học. Bên cạnh đó, chương trình hiện còn nặng về đại cương, thiếu nghiệp vụ và kỹ năng thực hành xã hội. Vì vậy nên xem xét rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 3 năm, tập trung hơn vào thực học, phát huy tư duy sáng tạo của sinh viên, tập trung trang bị kỹ năng.
Vũ Nguyễn Minh Trí (Ngành VN học Trường ĐH Sài Gòn)
Tiết kiệm thời gian, tiền bạc
Mỗi năm học, tính cả học phí và sinh hoạt phí gia đình phải chu cấp cho mỗi em là 30 - 40 triệu đồng. Việc rút ngắn thời gian học ĐH bớt 1 năm sẽ tiết kiệm rất nhiều cho người học, từ thời gian, tiền bạc đến cơ hội việc làm. Tuy nhiên, việc này chỉ thực sự tích cực nếu điều chỉnh chương trình đào tạo được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả. Còn nếu việc cắt giảm không hợp lý sẽ dẫn tới không đảm bảo chương trình học, kiến thức được trang bị ít hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người học.
Hoàng Thị Hoa (Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Trường ĐH Thương mại)
Hà Ánh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.