Đào tạo cử nhân, kỹ sư "chất lượng cao": Tiền đã đổ, tiêu chí vẫn mơ hồ

26/04/2005 22:04 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM sắp hoàn thành giai đoạn 1 của đề án "Kỹ sư, cử nhân tài năng". ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị thực hiện dự án "Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài", dự kiến sẽ kéo dài trong 7 năm. Chưa bao giờ các trường ĐH, đặc biệt là ĐH lớn đầu tư rất nhiều cho việc đào tạo nhân tài như thế. Chính sách đã có, con đường đã mở, sản phẩm cũng sắp ra đời nhưng bao giờ cũng vậy, cái gì mới sẽ có lắm chông chênh.

Với số kinh phí đầu tư khá lớn - gần 100 tỉ đồng cho 2 giai đoạn, rõ ràng ĐH Quốc gia TP.HCM kỳ vọng rất nhiều vào những cử nhân, kỹ sư chất lượng cao này. Qua gần 4 năm thực hiện, đề án "Kỹ sư, cử nhân tài năng" của ĐH Quốc gia cũng làm được những điều mà nếu không có sự đầu tư lớn thì không thể.

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hùng - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM: "Sau 3 năm thực hiện, đề án đã tạo được một hình mẫu đạt chuẩn về phòng học, bàn ghế, trang thiết bị cô giáo phục vụ giảng dạy; tạo điều kiện để giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến; hình thành một đội ngũ giảng viên năng động, nhạy bén; hình thành và dần khẳng định phong cách học tập chủ động, sáng tạo trong sinh viên; đạt được những kết quả học tập đáng khích lệ". Các giảng viên trực tiếp tham gia chương trình đều thừa nhận "những sinh viên này thật sự giỏi". Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường, chương trình vẫn cần một số điều chỉnh. Chương trình đào tạo cử nhân tài năng ở các trường đều thiết kế khá nặng so với chương trình đại trà cùng ngành đào tạo nên đã quá tải đối với sinh viên. Phần tăng cường kỹ năng thực hành và mục tiêu đào tạo của chương trình chưa thật sự rõ nét. PGS-TS Trương Văn Chung - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM thừa nhận: "Mục tiêu đào tạo chưa rõ và chưa sát thực nên còn gây hoài nghi, tranh cãi trong cán bộ giảng dạy. Chương trình đào tạo chưa thật sự ổn định và vẫn còn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng thực hiện".

Chính lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM đến giờ vẫn đặt câu hỏi: "Chúng ta sẽ đào tạo các sinh viên xuất sắc ra để làm gì? Họ sẽ trở thành các nhà nghiên cứu giỏi trong các lĩnh vực mũi nhọn của đất nước, của thế giới như Điện hạt nhân, Công nghệ sinh học, Công nghệ nano, Công nghệ vi điện tử, Robot... hay trở thành các nhà bác học về kinh tế, về các lĩnh vực xã hội - nhân văn? Nếu xác định rõ mục tiêu như vậy thì việc chọn lựa chuyên ngành đào tạo cũng phải cân nhắc".

Theo đề án "Đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng" mà ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra trong năm 2002, mục tiêu của các lớp này cũng còn khá chung chung. Đó là: "Xây dựng mô hình đào tạo chất lượng cao, phương thức đào tạo mới trong các trường đại học nhằm tạo một bước chuyển mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục đại học. Đào tạo nguồn nhân lực tài năng nhằm sử dụng tổng hợp các giải pháp đặc biệt trong đào tạo để phát triển, bồi dưỡng những sinh viên có tài năng, tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Trong khi đó, các nước chung quanh ta đều đặt ra mục tiêu đào tạo nhân tài hết sức cụ thể. Chẳng hạn cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều đặt ra mục tiêu cho các trường đại học là trong 10 năm tới phải tạo ra những con người có khả năng đoạt giải Nobel.

“Các học sinh gốc phổ thông năng khiếu thường là những sinh viên giỏi của lớp cử nhân tài năng. Hiện nay, một trong những mục tiêu của trường phổ thông năng khiếu là các kỳ thi học sinh giỏi và Olympic quốc tế. Chúng tôi đề nghị gia tăng sự chú trọng đến mục tiêu tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường đại học. Để kết nối giữa trường phổ thông năng khiếu và lớp cử nhân tài năng, nên soạn lại chương trình học phù hợp với các học sinh giỏi này; đưa các giảng viên trường đại học đang tích cực làm nghiên cứu khoa học đến dạy một số môn học. Các học sinh năng khiếu có thể dự thi vài môn trong chương trình học kỳ 1 năm thứ nhất đại học chính quy. Nếu được chuẩn bị kỹ, thành tích của các học sinh này sẽ rất rực rỡ và chúng ta sẽ có những tiến sĩ rất trẻ đạt chuẩn mực quốc tế”. PGS-TS Dương Minh Đức (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

 

 

 

 

 

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.