Danh hiệu không quyết định con trở thành người hạnh phúc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/05/2019 09:57 GMT+7

Khi mà các gia đình chỉ chăm chăm nhìn vào danh hiệu khá, giỏi hay bảng xếp hạng cuối năm của con thì ngành giáo dục và xã hội còn tiếp tục nạn bệnh thành tích dài, rất dài...

Đó là chia sẻ của thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM trước thực tế hiện nay cha mẹ và thầy cô đặt nặng vấn đề danh hiệu lên học sinh..

Cả cha mẹ và con cái đều căng thẳng

Theo cô Tô Nhi A, những đứa trẻ luôn nhận được sự thất vọng của cha mẹ sẽ luôn cảm thấy cố gắng của mình không được thừa nhận, luôn có áp lực, bị stress về thành tích. Khoảng cách cha mẹ và các con ngày càng xa, nhất là khi con lớn lên, gặp gỡ nhiều bạn hơn. Có đứa trẻ “trả thù” rằng con đã cố gắng rồi, khi con không được chấp nhận thì con cũng không chấp nhận cha mẹ. “Hệ quả có thể nhìn thấy rõ ràng nữa, là đứa trẻ trở nên yếu thế hoàn toàn, khi mà càng “tự bơi”, càng không có kết quả khả quan, càng stress, tự mặc định mình là không bằng người khác, luôn ám ảnh mình rất dở, hạn chế kết giao cộng đồng. Trong khi đó, cha mẹ cũng luôn căng thẳng, luôn đau khổ cho rằng mình là những người làm cha mẹ thất bại, những ông bố bà mẹ bất hạnh”, cô Tô Nhi A phân tích.

Hãy tôn trọng sự khác biệt của con mình

Cô Tô Nhi A cho rằng, giáo dục gia đình là rất quan trọng, ở đó, những người cha người mẹ hãy chấp nhận mỗi đứa trẻ với đặc tính riêng biệt, thừa nhận tất cả năng lực con có. Có thể con không giỏi toán nhưng hát rất hay, không giỏi ngôn ngữ nhưng định hướng không gian rất tốt… “Cha mẹ cũng cần đặt ra mục tiêu trong giáo dục con cái, và cần hiểu rằng điểm số ở trường không phải là tất cả thành tích của con, nó không phản ánh nhân cách của con, không quyết định sau này con có trở thành một người hạnh phúc hay không. Đánh giá ở trường chỉ là một dấu chấm nhỏ trong hành trình, con còn rất nhiều kỹ năng khác để gia nhập đời thường xã hội. Khi xác định được điều này, thì khi con được khen mình cũng không bị ảo tưởng, con bị chê cha mẹ cũng không cảm thấy đất trời sụp đổ”, cô Tô Nhi A nói.

Theo thạc sĩ tâm lý, điều quan trọng không kém đó là mỗi người làm cha mẹ hãy luôn có niềm tin ở con mình, và hiểu rằng, không phải năng lực lớp 4 của con thế này, thì khi con học lớp 8 cũng như vậy. “Mỗi đứa trẻ không phải là “em của ngày hôm qua”, mà là em của mỗi ngày, con sẽ thay đổi từng ngày và ngày hôm nay con tốt hơn ngày hôm qua, điều đó quan trọng hơn con được so sánh với hơn 40 bạn khác trong lớp học. Do đó, những sự động viên, khuyến khích đúng lúc với con sẽ là rất quan trọng”.

Nhà trường nên bảo mật việc xếp hạng các học sinh

Theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, lý tưởng nhất là các trường học không xếp hạng thành tích học tập của HS. “Nếu chưa thể thực hiện ngay điều này thì cần lưu ý tính bảo mật của bảng xếp hạng này. Mỗi học sinh chỉ biết điểm của chính em đó và các phụ huynh cũng không thể nào chụp ngay bảng xếp hạng cả lớp đưa lên Facebook. Điều này vi phạm quyền riêng tư, phụ huynh cho điểm con họ lên Facebook, nhưng phụ huynh của mấy chục học sinh còn lại, người ta đã cho phép chưa?”, cô Tô Nhi A đặt câu hỏi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.