'Đánh cược' mạng sống với hà bá để đến trường

14/11/2016 10:01 GMT+7

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người dân và các em học sinh của làng Chu, xã Phùng Minh, H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phải “đánh cược” mạng sống với hà bá trên những chiếc bè mảng mỏng manh để qua sông làm ăn, buôn bán và học tập.

Làng Chu cách trung tâm xã Phùng Minh hơn 3 km, nhưng chỉ cách trung tâm xã Ngọc Phụng, H.Thường Xuân (Thanh Hóa) chưa đầy nửa km. Chỉ cần qua sông Âm là người làng Chu đã có thể đến trung tâm xã Ngọc Phụng. Hiện trong làng có 148 hộ dân (570 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái). Do đường sá về trung tâm xã gặp nhiều khó khăn, nên nhiều năm nay, mọi việc làm ăn, buôn bán của người dân cũng như việc học hành của học sinh làng Chu đều gắn bó với xã Ngọc Phụng bên kia sông Âm.
Để qua lại sông Âm, người dân làng Chu đã tự làm những chiếc bè mảng bằng các thân luồng ghép lại. Trước đây dùng sào để chống bè, nhưng những năm gần đây, bè đã được lắp thêm chiếc máy cô-le gắn chân vịt để qua sông. Trung bình mỗi chuyến chở được khoảng 7-10 người, tùy theo lượng hàng hóa mang theo. Việc qua sông trên chiếc bè mảng đặc biệt nguy hiểm đối với 72 học sinh (44 học sinh cấp tiểu học và 28 học sinh cấp THCS) của làng Chu.

tin liên quan

Giấc mơ từ cái bánh mì đến phòng học hiện đại
Tại buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016 diễn ra tại Hà Nội sáng qua (13.11), các thầy cô không nói về gian khổ hay thành tích mà dành thời gian kể về ước mơ và mong mỏi có điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh ở đảo xa.
 

Chứng kiến cảnh các em học sinh vai mang cặp, tay vén quần cho khỏi ướt cùng vẻ mặt sợ hãi trên chiếc bè mảng tròng trành qua sông, chúng tôi không khỏi thót tim. Chiếc bè không có lan can chắc chắn đảm bảo an toàn cho người qua sông, trong khi đa phần học sinh đều không có áo phao. Biết nguy hiểm chờ chực, nhưng để đến trường, các em đành đánh cược sinh mạng với “hà bá”.
Chị Phạm Thị Lượng (32 tuổi, ngụ tại làng Chu) cho biết, gia đình chị có hai con nhỏ, trong đó một cháu đang học lớp 1 và một cháu học lớp 5, mỗi ngày đều phải qua sông để đến trường. “Hôm nào tôi cũng đưa con ra bến đò, cho đến khi các cháu qua sông xong mới trở về nhà để làm lụng được. Nhìn cảnh bọn trẻ chênh vênh trên bè mảng, lòng dạ tôi lúc nào cũng thấp thỏm. Biết là nguy hiểm, nhưng cũng phải cho các cháu đi học, chứ đi về trường của xã Phùng Minh thì xa và khó khăn lắm”, chị Lượng nói.

tin liên quan

Cậu bé 5 tuổi thu gom quần áo ấm tặng trẻ em nghèo
Nhìn thấy một cậu bé không có áo ấm mặc giữa trời giá rét, một cậu bé 5 tuổi ở Mỹ đã tặng bạn chiếc áo ấm của mình và lên chiến dịch thu gom quần áo ấm cho những người bạn thiếu may mắn mùa đông này.

Cũng theo chị Lượng, việc qua sông bằng bè mảng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Mới hôm 8.11 vừa qua, do mưa lớn từ thượng nguồn đổ về, nước sông Âm dâng cao, chảy xiết, cuốn chiếc bè mảng chở các cháu học sinh trôi cách xa bến khoảng 100 m, khiến nhiều người dân trên bờ bị một phen hốt hoảng. Cũng may, sau đó chiếc bè dạt được vào bờ, nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. “Lúc ấy, tôi như bị chết đứng trên bờ, không thể kêu gào được gì. Hai đứa con và mấy đứa bạn nó khóc lóc gọi mẹ trên chiếc mảng giữa dòng nước lũ. Cứ tưởng mất con đến nơi rồi. Kinh khủng quá!”, chị Lượng nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ tại xã Ngọc Phụng, H.Thường Xuân) điều khiển chiếc mảng qua sông Âm đã 7 năm nay, cho biết, mỗi ngày có khoảng 200 lượt người qua lại ở đoạn sông này. Chiếc bè mảng của anh hoạt động quanh năm và chỉ nghỉ khi mưa lũ lớn xảy ra. Những ngày mưa lũ, hầu hết các gia đình đều không dám cho con qua sông đi học.

Ông Ngô Trọng Túc, Chủ tịch UBND xã Phùng Minh cho biết, từ trước đến nay, người dân làng Chu vẫn thường qua sông sang xã Ngọc Phụng (H.Thường Xuân) buôn bán, đồng thời xin cho con em sang xã Ngọc Phụng học hành. Việc người dân và các cháu học sinh phải ngày ngày qua sông trên những chiếc bè mảng là rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương hiện vẫn chưa có cách gì để hỗ trợ người dân làng Chu.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND H.Ngọc Lặc cũng cho biết, lãnh đạo huyện đã nắm rõ việc khó khăn trong đi lại của người dân làng Chu nhiều năm nay, nhưng vì huyện chưa có kinh phí hỗ trợ xây dựng cầu đường nên đành chịu. “Hiện chúng tôi đang đề nghị Sở GT-VT tỉnh Thanh Hóa xin lập dự án xây dựng một cây cầu treo tại làng Chu vào năm 2017, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, đặc biệt là các em học sinh ở đây”, ông Đạt nói.

tin liên quan

Phụ huynh gửi đơn đòi giải thể Trường ĐH Tân Tạo!
Lần đầu tiên tại một trường ĐH, hàng chục phụ huynh gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh đề nghị giải thể trường. Sinh viên (SV) cũng gửi đơn kêu cứu, xin được chuyển sang học tại trường khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.