Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tuyển sinh dựa trên tiêu chí... đam mê

09/06/2017 10:23 GMT+7

Bảng điểm chói lói, thành tích xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế... không phải là tiêu chí quan trọng nhất để Đại học Fulbright Việt Nam tuyển sinh mà là niềm đam mê của thí sinh, theo Chủ tịch FUV Đàm Bích Thủy.

Đại học học Fulbright Việt Nam (FUV) đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong hành hình phát triển của mình: mở cửa đón những sinh viên đầu tiên. Việc tuyển sinh sẽ được bắt đầu ngay từ tháng 7 tới, khởi đầu bằng ngành học chính sách và quản lý công ở bậc cao học. Còn chương trình cử nhân sẽ bắt đầu vào mùa thu năm 2018 và quy trình tuyển sinh cũng đang được ráo riết xây dựng. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn với bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch của FUV.
Việc tuyển sinh cho ngành học đầu tiên sẽ được thực hiện dựa trên những tiêu chí nào, thưa bà?
Chủ tịch FUV Đàm Bích Thủy: Thành tích trong công việc hoặc quá trình học tập trước đó sẽ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều thực sự quan trọng là sự quan tâm của thí sinh với ngành học cũng như việc chứng minh họ sẽ ứng dụng kiến thức như thế nào trong tương lai để phục vụ cộng đồng.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) trao quyết định tài trợ, tổng trị giá 15,5 triệu USD của chính phủ Mỹ cho bà Đàm Bích Thủy hôm 6.6 Kiều Oanh
FUV sẽ tuyển sinh bao nhiêu học viên cho chương trình đầu tiên này và học phí sẽ ra sao, thưa bà?
Chúng tôi sẽ tuyển 60 bạn và tất cả đều sẽ được cấp học bổng toàn phần. Chúng tôi vừa nhận được 2 khoản tài trợ đầu tiên của chính phủ Mỹ, tổng trị giá 15,5 triệu USD, trong đó một phần sẽ được dành để cấp học bổng. Chúng tôi cũng vừa được một nhà hảo tâm tư nhân tài trợ cho một chương trình đào tạo tiếng Anh trong mùa hè này, dành cho 40 em học sinh chuẩn bị vào lớp 12, thêm hành trang để các em để có thể vào FUV sau này. Mỗi suất học bổng tiếng Anh trị giá 65 triệu đồng. Những điều này cho thấy cùng với sự chung tay của cộng đồng, FUV sẽ là của những sinh viên xuất sắc nhất, có niềm đam mê mãnh liệt nhất mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh kinh tế hay trình độ tiếng Anh.
Về chương trình học tiếng Anh, nếu chỉ học trong 8 tuần thì có thể tạo nên điều gì khác biệt ạ?
Các em sẽ được học tập trung trong 4 tuần tại TP.HCM trong một môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, sau đó sẽ về địa phương học trên mạng có giáo viên kèm riêng thêm 4 tuần nữa với sự hỗ trợ của công nghệ. Đây là chương trình được thiết kế riêng cho từng cá nhân dựa vào trình độ riêng của mỗi em. Chương trình tiếng Anh thể hiện rất rõ cách chúng tôi muốn triển khai cách giáo dục của FUV: dựa trên cá nhân và tận dụng công nghệ. Đây cũng là chương trình học đầu tiên được FUV công bố, là thí điểm để chúng tôi hiểu rõ hơn cần bao nhiêu thời gian để nâng trình độ tiếng Anh của các em học sinh lên những thang bậc nhất định để áp dụng cho việc đào tạo tiếng Anh chuẩn bị cho các em theo học tại FUV sau này.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định ủng hộ của chính phủ Mỹ với sự thành lập FUV chưa bao giờ thay đổi Kiều Oanh

Xin bà cho biết quy trình tuyển sinh đại học sẽ dựa trên những tiêu chí nào ạ?
Bà Đinh Vũ Trang Ngân, giám đốc chương trình cử nhân của FUV, chia sẻ thêm việc tuyển sinh sẽ nhắm đến đến tính toàn diện của con người, đặc biệt rất chú trọng đến các đóng góp của các thí sinh cho cộng đồng: giúp đỡ người khác, nghĩ cho người khác, biết lắng nghe, biết chia sẻ.
Bà nói: "Hiện FUV chưa xây dựng xong các tiêu chí tuyển sinh cụ thể bậc đại học nhưng sẽ dựa trên nguyên tắc là không thể chỉ đánh giá học sinh qua điểm số, lại là điểm số của một kỳ thi duy nhất bởi điều đó không nói lên được nhiều về khả năng của một con người. Ngay cả điểm số trong suốt 12 năm học thì cũng chỉ là một phần của một con người thôi, cũng giống như cân nặng và chiều cao chỉ nói lên một phần về thể trạng, không thể lột tả tâm hồn, mơ ước của người đó", bà Ngân nói. Cuối cùng, phỏng vấn trực tiếp thí sinh và đôi khi đến tận nơi để tìm hiểu hoàn cảnh sẽ là những điều rất quan trọng trong công tác tuyển sinh, theo bà Ngân.
Việc tuyển sinh sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 4 hoặc 5.2018. Chúng tôi đã đi đến nhiều vùng miền ở Việt Nam để tìm hiểu cách nhìn nhận của học sinh hiện nay. Chúng tôi đã gặp những em không tròn trịa theo kiểu con ngoan trò giỏi, không học trường chuyên lớp chọn, không có học bạ toàn điểm 10 nhưng đó là những em rất thú vị. Có em tự mày mò chia sẻ các postcast trên mạng nhận xét các hiện tượng xã hội có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng học sinh, có em thổ lộ chỉ ao ước được vừa học chuyên lý vừa chơi đàn ghi ta và bóng đá, có em tự giới thiệu bản thân bằng một bài nhạc do chính em sáng tác... Đam mê sẽ là tiêu chí hàng đầu để tuyển sinh tại FUV, có khi còn quan trọng hơn tài năng. Có tài năng mà không có đam mê thì cũng không thể thành công được. Tìm được thế mạnh thực sự của các em, trao các kỹ năng cần thiết để các em phát huy thế mạnh của mình để đóng góp cho cộng đồng là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi muốn nhắm đến. Mục tiêu của chúng tôi là nhìn ra được những viên ngọc trong mỏ quặng.
Và như thế sinh viên của FUV sẽ rất khác nhau?
Đó sẽ là viễn cảnh vô cùng tuyệt. Nếu chỉ cứ xoáy vào điểm mà tuyển sinh thì cộng đồng sinh viên sẽ rất giống nhau. Ở tuổi trẻ, các em học từ nhau rất nhanh. Rõ ràng là nếu các em có nhiều bạn bè có sở thích khác mình, thế mạnh khác mình, niềm đam mê khác mình, các em sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi.
Mức học phí của chương trình cử nhân của FUV sẽ là bao nhiêu ạ?
Đó là điều chúng tôi đang tính toán. Nó sẽ tùy thuộc nhiều vào các nhà tài trợ nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính để đảm bảo sẽ không có một thí sinh đủ điều kiện nhập học nào bị loại trừ vì bất kỳ khó khăn nào. Trong trường hợp những em đóng học phí thì chúng tôi đang cố gắng để con số đó tương đương hoặc chỉ cao hơn một tí so với các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.
Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ rất thú vị với bạn đọc của Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.