Đại học Đà Nẵng chuyển giao công nghệ miễn phí máy đo thân nhiệt từ xa

An Dy
An Dy
20/03/2020 17:01 GMT+7

Đây là hệ thống đo thân nhiệt từ xa, giúp phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 , do nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng và GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phụ trách sáng chế.

Ngày 20.3, đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết, sẽ thực hiện chuyển giao, phổ biến rộng rãi công nghệ đo thân nhiệt từ xa cho cộng đồng để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Hạn chế lây nhiễm chéo Covid-19

Hệ thống đo thân nhiệt từ xa hiện đã được lắp đặt, sử dụng ngay tại cổng chính của Đại học Đà Nẵng (41 Lê Duẩn, QHải. Châu, Đà Nẵng) để thực hiện đo thân nhiệt đối với tất cả cán bộ, viên chức, sinh viên và khách đến làm việc, giao dịch.
Đây là sản phẩm công nghệ do nhóm nghiên cứu Động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC), thuộc Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), nghiên cứu và chế tạo. Ngay khi được đưa vào hoạt động, sản phẩm đã cho thấy những tính năng và hiệu quả, đặc biệt trong việc phát hiện sớm, hạn chế tiếp xúc với người có thân nhiệt cao, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm nếu có.
Thiết bị đo thân nhiệt từ xa có cấu tạo gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), webcam, laptop (hoặc Ipad), điện thoại thông minh để đọc kết quả. Kết quả đo sẽ được camera chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua mạng internet.

Thiết bị được ứng dụng thực tế ngay tại trụ sở Đại học Đà Nẵng

Đại học Đà Nẵng

Theo đó, nhân viên y tế có thể thực hiện công việc quan sát và đo thân nhiệt từ xa cho khách trong phòng cách ly, có cửa kính. Một hệ thống nâng hạ chiều cao tự động để điều chỉnh cụm máy đo nhiệt độ-camera phù hợp với chiều cao người cần đo để đảm bảo độ chính xác. Như vậy, việc sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa đảm bảo không có sự tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người được đo, nhờ đó hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo mùa dịch Covid-19.
Để giúp cho giao tiếp giữa nhân viên y tế trong phòng cách ly và người cần đo nhiệt độ, hệ thống còn có thêm màn hình hiển thị nhiệt độ gắn song song với màn hình máy tính của nhân viên y tế và kết nối audio để truyền tải các hướng dẫn cần thiết. Theo nhóm nghiên cứu, có thể tận dụng các loại màn hình cũ (màn hình Ipad, PC, laptop …) để kết nối hiển thị kết quả đo thân nhiệt với thiết bị này để giảm giá thành sản phẩm.
Đây là sản phẩm công nghệ với nhiều điểm mới như tự động điều chỉnh cự li, có bộ phận âm thanh, màn hình đo thân nhiệt đảm bảo khoảng cách an toàn cho nhân viên y tế và người được đo... “Nếu nhân viên y tế sử dụng nhiệt kế hồng ngoại để đo trực tiếp như cách thường làm hiện nay, thì vẫn có khả năng gặp rủi ro khi tiếp xúc gần. Thiết bị đo thân nhiệt từ xa cho phép cách ly nhân viên y tế với người cần đo nhiệt độ nên loại trừ được khả năng lây nhiễm này”, GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nói.

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ phi lợi nhuận

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ trì nhóm nghiên cứu

ĐH Đà Nẵng

Thông tin tham khảo từ phía Đại học Đà Nẵng , hiện tại, các hệ thống đo thân nhiệt từ xa có camera hồng ngoại đang được đầu tư, sử dụng ở nơi công cộng (nhà ga, sân bay… ). Tuy nhiên, ghi nhận chi phí thị trường khá đắt đỏ, với mức đầu tư tối thiểu lên đến 300-400 triệu đồng/máy.
Đối với các đơn vị hành chính, trường học, việc đầu tư như vậy sẽ rất tốn kém và lãng phí, vì sau mùa dịch sẽ không sử dụng thường xuyên. Riêng sản phẩm của Nhóm nghiên cứu GATEC, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, có chi phí thấp hơn rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng cần thiết của việc kiểm tra thân nhiệt, góp phần hạn chế sự lây lan của Virus Covid-19. Hiện tại, sản phẩm được thực hiện có chi phí rẻ hơn nhiều (khoảng 10 triệu đồng chi phí vật tư thiết bị), so với các thiết bị đo có giá vài trăm triệu như hiện nay.
GS.TSKH Bùi Văn Ga, Trưởng nhóm nghiên cứu chế tạo, cho biết.
“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ đo thân nhiệt từ xa  cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp… ở Đà Nẵng và trên cả nước, có nhu cầu để tự chế tạo, hoặc chúng tôi chế tạo và cung cấp theo yêu cầu, hoàn toàn không vì lợi nhuận”, GS.TSKH Bùi Văn Ga, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.