Đại học 4.0 là chính sách tương lai của Bộ GD-ĐT

21/07/2017 16:20 GMT+7

Trong 2 ngày 20 - 21.7, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình Đại học 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ 21”.

Có tất cả 6 phiên họp, 12 bài trình bày của các nhà lãnh đạo đại học (ĐH), giáo sư, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các trường ĐH trên thế giới, nơi đổi mới sáng tạo giáo dục ĐH đang diễn ra.
ĐH 4.0 sẽ thế nào?
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, việc tổ chức hội thảo này là một trong những hoạt động của trường nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về các mô hình giáo dục ĐH hiện đại của thế kỷ 21, các đặc tính của nó, việc áp dụng trên thế giới, khả năng áp dụng tại VN, từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại VN. Lý do là để đối phó với những tác động thay đổi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), mọi quốc gia, mọi ngành nghề, mọi người đều cần phải thay đổi. Giáo dục ĐH không là ngoại lệ. Các trường ĐH trên thế giới đang phải chịu sức ép thay đổi toàn diện các hoạt động của mình để đáp ứng những thay đổi mà CMCN 4.0 mang đến. Để đáp ứng được những thay đổi đó, các trường ĐH cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo, ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, giúp nâng cao hiệu quả việc dạy và học, giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa việc học tập theo nhu cầu của bản nhân, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0.
Theo GS Gottfried Vossen, Trung tâm nghiên cứu châu Âu về Hệ thống thông tin ĐH Munster (Đức), ĐH 4.0 là một trong nhiều thuật ngữ hiện đại, và cố gắng thể hiện mong muốn của các trường ĐH là phải thích ứng với thời hiện đại và nhu cầu của sinh viên (SV) ngày nay. Một yếu tố chính đằng sau nó là tiến trình số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số, theo đó nhiều đối tượng cũng như các quá trình của cuộc sống hằng ngày được chuyển thành dạng số. Điều này được bắt đầu bởi sự tiến bộ công nghệ một cách nhanh chóng trên diện rộng, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sự chuyển đổi kỹ thuật số cũng làm gián đoạn các trường ĐH và cách tiếp cận của họ đối với việc giảng dạy. Theo GS Vossen, sự hình thành ĐH 4.0 sẽ từ Dạy học 4.0 kết nối với Nghiên cứu 4.0 và Quản lý 4.0.
GS Hoàng Phạm, Trường ĐH Rutgers (Mỹ), đưa ra một số liệu cho thấy CMCN 4.0 đang tác động rất lớn tới xã hội. Đó là theo thống kê, đến năm 2030, 98% công việc sẽ do robot thực hiện. Như vậy, việc đào tạo SV tại các trường ĐH ra đi làm cũng phải đi theo xu hướng này. Vì vậy, các trường ĐH ở Mỹ đang quan tâm đến việc bao nhiêu SV ra trường có việc làm, thậm chí là làm tại các tập đoàn lớn. Nếu hiệu trưởng điều hành trường có quá ít SV có việc làm thì sẽ bị cho nghỉ việc. Các trường ĐH ở Mỹ đã đi qua thời điểm loay hoay thích ứng với CMCN 4.0, nhưng vẫn luôn phải cập nhật những gì mới nhất mỗi năm để giảng dạy cho SV, nếu không sẽ bị lạc hậu trong thời đại biến chuyển năng động và không ngừng.
ĐH 4.0 là sáng tạo
GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia HN, cho biết trong hội thảo này có rất nhiều ý kiến quý giá, nhiều kinh nghiệm từ giáo dục ĐH của các nước thế giới trong công cuộc thích ứng và tiếp cận với CMCN 4.0. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia HN, cách tiếp cận phù hợp nhất cho các trường ĐH tại VN là theo khía cạnh bảng xếp hạng ĐH. Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, các bàng xếp hạng đã đưa vào một nhân tố đánh giá mới. Đó là trường ĐH có bao nhiêu phát minh, sáng chế và các bài báo khoa học được viết ra được các phát minh, sáng chế áp dụng hay không. Đó là yếu tố sáng tạo. Vì vậy, mô hình ĐH 4.0 là trường ĐH sáng tạo được điều hành một cách thông minh. Ngoài ra, đặc điểm của cách mạng 4.0 là khởi nghiệp dễ dàng, ai cũng khởi nghiệp được nên tất cả các trường ĐH nên đi theo sáng tạo khởi nghiệp. Vì công nghệ phát triển quá nhanh, không sáng tạo, khởi nghiệp trong nhà trường thì trường chỉ tạo ra lứa SV là sản phẩm trung gian và giá trị kinh tế nằm ở ngoài khuôn viên nhà trường.
Ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT, cho biết cuộc CMCN 4.0 khiến giáo dục ĐH bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ đặt ra những yêu cầu mới năng lực nhân sự, từ đó đòi hỏi các trường ĐH phải thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu. Bộ GD-ĐT rất hoan nghênh khi ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đã đề xuất ý tưởng xây dựng trường ĐH ngoài công lập trọng điểm với mô hình giáo dục ĐH 4.0. Đây là trường đầu tiên có đề án trình Bộ và Chính phủ về việc nghiên cứu mô hình giáo dục ĐH 4.0. Từ đề xuất của Trường mà Bộ trưởng đã có chỉ đạo đưa vào chương trình nghiên cứu cấp nước đề tài nghiên cứu giáo dục ĐH 4.0 để xây dựng nền tảng khoa học cho chính sách giáo dục ĐH trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.