Cử nhân kinh tế không giỏi là thất nghiệp - Kỳ 2: Phải biết tạo sự khác biệt, nổi trội

21/01/2015 03:00 GMT+7

Ngoài những yếu tố bên ngoài tác động, tình trạng cử nhân kinh tế khó kiếm được việc làm cũng do chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là lúc các trường cần điều chỉnh hướng đào tạo. Sinh viên cũng phải đổi mới cách nghĩ, cách làm.

Ngoài những yếu tố bên ngoài tác động, tình trạng cử nhân kinh tế khó kiếm được việc làm cũng do chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là lúc các trường cần điều chỉnh hướng đào tạo. Sinh viên cũng phải đổi mới cách nghĩ, cách làm.
Thí sinh làm thủ tục nhập học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc ThạchThí sinh làm thủ tục nhập học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nâng cao thực hành, kỹ năng
Đồng thời với việc giảm quy mô đào tạo, các trường khối ngành kinh tế cũng có nhiều động thái để nâng chất lượng sinh viên (SV) đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Ông Châu Minh Quí, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết chiến lược phát triển của trường là đào tạo các chương trình chất lượng cao nhằm cung cấp nguồn lao động giỏi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. “Chúng tôi tuyển chọn và bồi dưỡng để giảng viên có năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo phương pháp hiện đại. Hiện chương trình này đưa vào 5 - 6 môn chuyên ngành bắt buộc phải dạy và học bằng tiếng Anh. Do đó, không chỉ giảng viên giỏi mà SV cũng phải nỗ lực để có thể tiếp thu kiến thức”, ông Châu Minh Quí chia sẻ.
Ngay từ năm thứ nhất, SV các khoa đã được trường tổ chức đi tham quan, kiến tập tại nhiều doanh nghiệp. Trường đang liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp để đưa những phần mềm ứng dụng thực tế cho SV ngành kế toán học tập; xây dựng ngân hàng mô phỏng giúp SV có cơ hội trải nghiệm những thao tác, tình huống và số liệu thực.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng vấn đề mấu chốt nhất ở đây là chuẩn đầu ra phải thực sự nghiêm túc bám sát định hướng nghề nghiệp thực tế xã hội yêu cầu, về kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi… Theo ông Nhựt, từ đợt SV trúng tuyển khóa 2015, trường sẽ sử dụng chương trình học mới dựa vào chương trình tiên tiến nước ngoài. Song song đó, SV sẽ học giáo trình được mua bản quyền từ nước ngoài. Sĩ số lớp học cũng sẽ giảm xuống ở mức tối đa 50 - 60 SV/lớp để nâng cao độ tương tác giữa người học và giảng viên. Đặc biệt, SV khóa này sẽ được tăng cường tiếng Anh trong 2 năm đầu để có thể học chuyên ngành, sử dụng giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 2 năm cuối.
Còn theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trường vẫn giữ mức chuẩn đầu ra tiếng Anh 530 TOEIC nhưng yêu cầu SV phải đạt tiến độ theo hai giai đoạn. Không dừng lại ở đó, việc thay đổi trong tuyển sinh đầu vào khi xác định điểm chuẩn chung cho khối ngành quản lý kinh doanh (thay vì điểm chuẩn riêng từng ngành trước đây) cũng nhằm mục đích tăng cơ hội nghề nghiệp cho SV khi ra trường.
Điểm số cao không bằng năng lực thực tế
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, nhìn nhận: “Phần lớn SV của chúng ta chưa có khát vọng được làm việc thực sự. Nếu có, số đó vẫn còn rất ít. Các bạn thi được vào trường ĐH xong thì đã có tâm lý nghỉ ngơi, thư giãn. Đến khi ra trường lại có tâm lý “may hơn khôn” hoặc cố gắng tìm cách xin vào các cơ quan nhà nước với tâm lý muốn ổn định, nhàn rỗi. Trong khi đó, lẽ ra đây phải là quãng thời gian học tập và trải nghiệm lớn nhất của tuổi trẻ. Học ngoại ngữ, học những kỹ năng mình chưa biết, chưa thành thạo, tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn, đi và trải nghiệm nhiều hơn nếu muốn ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”. Bà Vân Anh còn cho rằng trường ĐH chỉ là nơi trang bị cho SV những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Còn SV muốn thực sự tạo ra sự khác biệt, sự nổi trội thì phải tự lực, phải quan sát, đọc để nắm bắt xu thế mới, sẵn sàng chấp nhận thử thách để học hỏi trong công việc, vì cơ hội và thành công không đến với những người thụ động, thiếu chí tiến thủ.
Trên thực tế, những SV nào chịu khó học tập và trang bị những kỹ năng mềm thường có nhiều thành công khi gặp gỡ các nhà tuyển dụng. Ông Châu Minh Quí cho biết: “Cái giỏi mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, là không chỉ giỏi về chuyên môn, còn phải giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ. Mà muốn như vậy thì trong 4 năm ĐH, các em cần tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, tham dự các cuộc thi liên quan đến nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, tiếp thị, kế toán… để vận dụng kiến thức, phát triển tư duy nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng”. Ông Quí đưa ra lời khuyên: Thí sinh nào yêu thích nhóm ngành kinh tế vẫn nên mạnh dạn nộp hồ sơ, tuy nhiên, phải có nhận thức ngay từ đầu rằng quá trình học tập cần phải năng động, ham học hỏi trải nghiệm.
Ý kiến:
Khả năng hạn chế nhưng cứ mở, cứ tuyển
“Không chỉ trường đa ngành, thậm chí các trường khối văn hóa nghệ thuật cũng tham gia mở ngành đào tạo kinh tế với chỉ tiêu đào tạo lớn, trong khi khả năng đào tạo còn hạn chế”.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ
(Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Trường mới thành lập vẫn mở rộng quy mô đào tạo
“Trên thực tế, có những trường mới thành lập nhưng vẫn mở rộng quy mô đào tạo tới 3.000 chỉ tiêu. Giảng viên không đủ, cơ sở vật chất cũng thiếu thì chất lượng khó lòng đảm bảo. SV ra trường không đáp ứng được công việc”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương
(Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Vượt gấp đôi quy hoạch
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ từng cảnh báo số lượng nhân lực hiện nay của nhóm ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng...) đã vượt gấp đôi quy hoạch. Theo quy hoạch, năm 2015 tỷ lệ các ngành kinh tế chỉ ở mức 20% nhưng thực tế số lượng nhân lực này đã gần 40%. Kinh tế suy thoái, nhiều ngân hàng giải thể khiến số lượng SV tốt nghiệp ngành này thất nghiệp khá nhiều. Cách đây mấy năm, Bộ GD-ĐT cũng đã phát đi cảnh báo thí sinh nên cẩn trọng khi lựa chọn học các ngành ấy.
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến tạm dừng xem xét mở ngành đang thừa nhân lực đầu ra thuộc khối kinh tế như: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển sinh giảm khá mạnh. Năm 2015 chỉ tiêu dự kiến của trường giảm xuống 2.400, trong đó riêng khối ngành kinh doanh quản lý (tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh doanh quốc tế, hệ thống thông tin quản lý) giảm từ 2.300 (năm 2014) xuống còn 2.050 (năm 2015). Đặc biệt, năm nay trường này quyết định bỏ luôn việc tuyển sinh và đào tạo bậc CĐ ngành tài chính ngân hàng.
Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng giảm dần chỉ tiêu trong 4 năm gần đây. Cụ thể, từ 4.000 chỉ tiêu năm 2012 xuống còn 3.900 (năm 2013, 2014) và tiếp tục giảm xuống 3.000 (năm 2015).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.