Công nhận giáo sư, phó giáo sư: Không nghiên cứu, không đi dạy vẫn đủ chuẩn!

Quý Hiên
Quý Hiên
06/02/2018 07:49 GMT+7

Theo các chuyên gia, để việc xét giáo sư, phó giáo sư thật sự chất lượng, yếu tố quyết định là ở con người ngồi trong các hội đồng ngành. Với cung cách làm như hiện nay, dù có thay đổi các tiêu chuẩn, vẫn sẽ tiếp tục khiến cho phó giáo sư, giáo sư vàng thau lẫn lộn.

Ai cũng muốn “dĩ hòa vi quý”
Phó giáo sư, giáo sư bấy lâu nay chỉ là hư danh. Nhiều người chẳng ra cái gì cả, không nghiên cứu, không đi dạy ngày nào nên phải đi xin tiết dạy để làm hồ sơ, vẫn thành phó giáo sư, giáo sư
Tiến sĩ LÊ VIẾT KHUYẾN (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Phó giáo sư (PGS) Phan Quang Thế, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp ĐH Thái Nguyên, cho rằng việc làm giáo sư (GS), PGS có 3 cái tưởng là khó nhưng hóa ra lại dễ, khiến những người năng lực thấp cũng có thể đạt được, làm cho những người dù xứng đáng cũng không thấy vinh dự khi mang danh PGS, GS.
PGS Thế nêu nhận xét: “Yêu cầu GS, PGS là phải có tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của PGS, GS hiện nay theo tôi là không ổn, khi mà họ chỉ có chứng chỉ trong nước cấp. Tiếng Anh, nếu không phải chứng chỉ quốc tế, thì tôi không tin. Yêu cầu về sách là vô nghĩa khi mà thời buổi này ai viết và viết về cái gì cũng in được hết, cứ có tiền là in được, kể cả của NXB Khoa học kỹ thuật. Việc có bài báo in ở tạp chí trong nước cũng dễ thế thôi”.
Theo PGS Thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên trước việc tăng ồ ạt số lượng người được công nhận PGS, GS trong đợt xét năm 2017, vì vẫn với quy định cũ, với những con người cũ ngồi trong các hội đồng, cộng thêm thời điểm “nhạy cảm” nên việc xét dễ dàng rơi vào tình trạng tháo khoán. Không ai dám làm nghiêm túc, bởi ai cũng muốn dĩ hòa vi quý, vì nếu không dĩ hòa vi quý thì không có “phiếu”, mà không có “phiếu” là không có gì hết.
“Riêng ĐH Thái Nguyên, số ứng viên làm hồ sơ năm nay ngang ngửa với tổng số PGS, GS của cả ĐH hiện đang có. Nhà nước cứ ra quy định nhưng vấn đề là chất lượng người thực thi. Có những người ngồi trong hội đồng đã không biết gì, lại thêm quan niệm dĩ hòa vi quý, nên kéo mọi thứ đi thụt lùi. Vấn đề là ở con người, khó có chất lượng khi mà chủ tịch hội đồng nhiều người không đủ nghị lực làm việc công tâm, một số thì năng lực yếu”, PGS Thế nhận xét.
Mù mờ trong định nghĩa giáo sư
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho rằng đây đúng là một cuộc chạy vét, nhưng chất lượng kết quả xét PGS, GS của năm nay cũng không thể kém hơn được nữa, vì việc này vốn dĩ lởm khởm từ lâu nay. “PGS, GS bấy lâu nay chỉ là hư danh. Nhiều người chẳng ra cái gì cả, không nghiên cứu, không đi dạy ngày nào nên phải đi xin tiết dạy để làm hồ sơ, vẫn thành PGS, GS”, TS Khuyến nhận xét. Ông Khuyến cũng cho rằng gốc của vấn đề chất lượng xét GS, PGS là ở sự mù mờ, thiếu minh bạch.
Với các nước, thứ nhất, GS là chức danh của ngành GD-ĐT, không có chuyện GS là doanh nhân, GS là nhà chính trị. Thứ hai, GS là của các cơ sở đào tạo ĐH. Thứ ba, GS phải có nhiệm kỳ, trong khi mình GS là suốt đời, nên có người xong GS rồi là chẳng chịu làm việc nữa. Ở nước ta, thời kỳ trước đây cũng chỉ phong GS, PGS cho những người đang trực tiếp làm công tác đào tạo. Cũng có cán bộ quản lý nhưng phải là cán bộ quản lý cơ sở đào tạo hoặc cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý đào tạo. Về sau này, quy chế mở rộng đối tượng ứng viên GS, PGS nên mới có chuyện bộ trưởng làm GS, PGS.
“Vừa rồi khi soạn thảo luật Giáo dục ĐH, nhiều ý kiến cho rằng cần phải định nghĩa chức danh GS là chức danh của giảng viên ĐH. Nhưng theo tôi biết, dự thảo mới nhất đã không đưa được quy định này vào. Nếu vậy kể cả nâng cao tiêu chuẩn PGS, GS đến đâu thì bày đặt ra các việc xét cấp nọ cấp kia cũng làm cho có”, TS Khuyến nhận xét.
Còn theo GS Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, để nâng cao chất lượng xét PGS, GS, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của hội đồng ngành, trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng các thành viên ngồi trong các hội đồng ngành, phải làm sao để có những nhà khoa học trình độ và thực sự công tâm ngồi vào các hội đồng ngành.
“Nên thành lập hội đồng ngành qua cơ chế bỏ phiếu chứ không phải do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hay hội đồng chức danh GS nhà nước chỉ định như bây giờ. Những người tham gia bỏ phiếu là các PGS, GS của từng ngành. Cách làm này chắc chắn sẽ loại được ra khỏi hội đồng mới những thành viên năm trước có hiện tượng ăn tiền hay làm việc thiếu công tâm”, GS Trung đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.