Công khai gian lận điểm thi: Nhiều thí sinh điểm cao bất thường là 'con ông cháu cha'

12/04/2019 07:45 GMT+7

Trong số 44 TS Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm đã công bố hồi tháng 7.2018, có nhiều TS là con em cán bộ các ngành công an (7 trường hợp) và giáo dục (12 trường hợp). Một số khác là con em các cán bộ có chức sắc ở địa phương.

Phần lớn các em đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội. Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, một số TS đã lặng lẽ rời bỏ, không nhập học trường công an.
Nhưng một số vẫn tiếp tục học. Vì thế mà Sơn La vẫn là một trong những địa phương thuộc diện có nhiều TS trúng tuyển vào các trường công an nhân dân nhất. Chẳng hạn, trong số 231 TS trúng tuyển và nhập học vào Học viện An ninh năm 2018, có 11 TS đến từ Sơn La.
Điều đáng nói là trong số các TS Sơn La điểm cao là con em cán bộ công an, giáo dục, hay cán bộ lãnh đạo các ngành/địa phương ở Sơn La, có nhiều người đạt mức điểm thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường. Nghĩa là không tương xứng với lực học của TS khi còn học phổ thông, cũng như quá cao so với mặt bằng điểm chung của cả nước.
Tiêu biểu có Ngô Lương B.N, một học sinh lớp chuyên sử của Trường THPT chuyên Sơn La, người thi thử được 1,2 điểm tiếng Anh, nhưng thi thật được 9,8. Theo một thành viên Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Sơn La, thì B.N đăng ký nguyện vọng theo 2 tổ hợp văn - sử - địa (C00) và toán - văn - sử (C03), trong đó tổ hợp C03 dùng để đăng ký vào một trường công an. Tuy nhiên, sau khi vụ án gian lận thi cử ở Sơn La được khởi tố, B.N đã dùng tổ hợp C00 để xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Được biết, B.N là con ông D., Phó chủ tịch UBND H.Quỳnh Nhai, Sơn La. Mẹ của B.N công tác trong ngành công an tỉnh Sơn La.
Trường THPT chuyên Sơn La còn có Trần N.D, học sinh chuyên văn, nổi tiếng là thủ khoa của cả nước khối D1 (với số điểm 28,6). N.D có nguyện vọng 1 vào ngành nghiệp vụ cảnh sát, tổ hợp toán - văn - sử (C03). Theo đánh giá của bạn bè cùng lớp, N.D chỉ thuộc diện học khá, nên đạt mức điểm thủ khoa khối D1 của cả nước, mà trong đó toán được 9,8 điểm là điều khó tin, đặc biệt với đề thi năm nay.
Một trường hợp khác, N.Y.K có điểm rất cao khối D1 (toán 9,6; văn 9; tiếng Anh 9,6) dù khi học ở trường không có gì nổi bật. N.Y.K có bố là Trưởng phòng GD phổ thông, Sở GD-ĐT Sơn La, mẹ là giáo viên trường chuyên Sơn La.
Cũng trở thành tâm điểm chú ý còn có N.Đ.A, con của một cán bộ đứng đầu ngành thuế Sơn La. N.Đ.A được đánh giá là học bình thường, nhưng đã trúng tuyển Học viện An ninh nhân dân với mức điểm rất cao, 27,8 điểm (điểm thi).
Nâng điểm vì quyền lực hay tiền bạc?
Ngay sau khi vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang xảy ra, PV Thanh Niên đã nhận được hàng loạt phản ánh của người dân, đa phần là phụ huynh về việc nhiều trường hợp là con, cháu của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành của Hà Giang, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Qua xác minh cho thấy những phản ánh này là có cơ sở. Theo đó, trong số những TS được nâng điểm có con gái của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm Triệu Tài Vinh, con trai của Phó giám đốc Sở GD-ĐT, con của lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Vị Xuyên...
Trả lời báo chí liên quan vấn đề này, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, một mặt cho rằng trong một kỳ thi có hàng ngàn TS tham gia, thì dĩ nhiên sẽ có con, cháu của lãnh đạo, song ông khẳng định sẽ không có lãnh đạo nào dám “chỉ đạo người khác phải đưa con tôi vào trường đại học cả”. Cho đến nay, trong tổng số 114 TS tại Hà Giang được xác định là nâng điểm, tuy nhiên chưa ai biết được trong số này có bao nhiêu trường hợp là “con ông cháu cha” và lý do được nâng điểm là vì quyền lực hay tiền bạc?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.