Công bố cấu trúc đề thi lớp 10 tại TP.HCM

13/09/2017 08:21 GMT+7

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 sẽ nhẹ nhàng để học sinh bắt đầu làm quen với định hướng đổi mới.

Ngày 12.9, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp triển khai chuyên môn bộ môn toán bậc THCS với sự tham gia của chuyên viên, giáo viên mạng lưới môn học này của 24 quận, huyện. Trọng tâm của buổi họp là công bố cấu trúc và lấy ý kiến về đề thi minh họa đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019.
Đề thi gồm 10 câu
Đề thi bao gồm 10 câu, mỗi câu 1 điểm. Trong đó 5 câu đầu kiểm tra kiến thức ở cấp học, chủ yếu là lớp 9 với mức độ thông hiểu và vận dụng. Nội dung kiến thức bao gồm: Hàm số bậc nhất, hàm số bậc 2, đồ thị hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc 2, sự tương giao của 2 đường thẳng, phương trình, hệ phương trình, hệ thức lượng trong tam giác vuông, tỷ số lượng giác...
 
Dự kiến công bố đề thi minh họa ngày 14.9
Trong buổi họp chuyên môn này, đa số các chuyên viên tham dự đã đồng ý thông qua đề minh họa. Lãnh đạo Sở cho biết chuyên viên phụ trách môn học này sẽ điều chỉnh các từ ngữ cho chính xác, diễn giải các câu hỏi cụ thể và sẽ công bố trong tuần này, dự kiến sớm nhất có thể vào ngày 14.9.
Ma trận đề thi minh họa môn toán bao gồm các kiến thức: Định lý Viete, hàm số bậc nhất yêu cầu ở mức độ thông hiểu. Các kiến thức đồ thị hàm số - giải phương trình, góc nội tiếp, hệ thức lượng trong tam giác vuông, định lý Pitago, tính phần trăm lời - lỗ, định lý Thales, tính phần trăm phương trình bậc nhất ở mức độ vận dụng. Còn kiến thức về hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn, góc giữa tia tiếp tuyến và dây cung, tam giác đồng dạng đòi hỏi mức độ vận dụng cao.
Về kiến thức hình học, đó là các kiến thức về đường tròn (sự xác định, tiếp tuyến...), độ dài, diện tích hình tròn, thể tích khối hộp chữ nhật, khối chóp... Ba câu tiếp theo là vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn như lãi suất, tính phần trăm, nồng độ dung dịch, quang, nhiệt, điện, chuyển động đều... ở mức độ vận dụng. Hai câu hỏi cuối là sự vận dụng các kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn ở mức độ vận dụng cao. Học sinh (HS) phải biết xây dựng mô hình toán học, thiết lập phương trình, hệ phương trình để giải quyết bài toán.
Thay đổi cách học, cách dạy
Từ cấu trúc này, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán của Sở GD-ĐT, đưa ra các yêu cầu đối với giáo viên và HS trong quá trình dạy và học. Theo ông Lộc, giáo viên phải dạy đầy đủ các kiến thức cơ bản cho HS, dạy HS cách suy nghĩ, tư duy, phân tích, phản biện; Đồng thời giáo viên cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, thực hành đo đạc, tính toán...
Về phía HS, ông Lộc nhấn mạnh phải nắm đầy đủ kiến thức, khái niệm, định nghĩa, định lý, hệ quả. Bên cạnh đó đòi hỏi có khả năng đọc, tư duy, phân tích, phản biện một vấn đề. Cũng cần có kỹ năng thực hành đo đạc, tính toán, biết phân biệt số đúng, số gần đúng, biết đặt ẩn đưa về phương trình, hệ phương trình...
Trước những băn khoăn của các chuyên viên, ông Lộc khẳng định đề thi sẽ có sự giảm nhẹ trong một vài năm đầu. Đặc biệt có thể sẽ giảm nhẹ hơn so với độ khó của đề thi năm trước. Tuy nhiên giáo viên phải dạy cho HS kỹ năng đọc hiểu trong toán học.
Sẽ có công thức trong đề thi
Ông Phạm Ngọc Tiến cho biết: “Tương tự đề toán trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2016 - 2017 có xuất hiện câu hỏi về chuyển động là kiến thức thuộc môn vật lý. Đề thi các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh năm nay sẽ tích hợp kiến thức của nhiều môn chứ không bó hẹp trong phạm vi kiến thức một môn học như trước đây”. Đổi lại, kiến thức môn sinh học cũng có thể xuất hiện trong đề thi ngữ văn.
Trong đề thi năm nay, thay vì bắt HS phải nhớ quá nhiều công thức, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thiết kế phần phụ lục gồm công thức có liên quan ở dưới mỗi đề thi. Tương tự, đề thi môn ngữ văn vẫn tuân theo cấu trúc cũ nhưng phần đọc hiểu sẽ mở rộng các văn bản. Câu hỏi ở phần đọc hiểu có thể là một vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử, địa lý như yêu cầu HS trả lời các câu hỏi về vấn đề biến đổi khí hậu, sạt lở đất đai. Phần đọc hiểu trong đề thi có thể là một văn bản nằm ngoài sách giáo khoa chứ không nhất thiết phải nằm trong chương trình như trước đây. Tương tự, môn ngoại ngữ sẽ được lồng ghép kiến thức hằng ngày như hỏi đường, tham gia giao thông...
Theo lãnh đạo Sở, việc thay đổi này sẽ giúp HS, giáo viên, phụ huynh dần xóa bỏ tư tưởng môn chính, môn phụ và coi toán, ngữ văn, ngoại ngữ là những môn công cụ giúp giải quyết kiến thức của những môn học khác.
Lam Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.