Còn ai sẽ vào sư phạm?: Đổi mới tuyển sinh thôi, chưa đủ!

09/04/2018 09:13 GMT+7

Trước thực trạng dư thừa người học sư phạm và những áp lực người giáo viên đang phải đối mặt như hiện nay, theo nhiều chuyên gia, đổi mới tuyển sinh sư phạm như kế hoạch Bộ GD-ĐT đặt ra, là chưa đủ. Thay vào đó cần có chính sách về việc làm, đãi ngộ hợp lý.

Một trong những việc làm đầu tiên trong năm nay là Bộ giao chỉ tiêu sư phạm theo cơ chế đặt hàng gắn chặt với nhu cầu sử dụng thực tế của các địa phương. Tuy nhiên theo chỉ tiêu đã được giao cho năm nay, chỉ tiêu nhiều trường gần như không thay đổi hoặc tăng lên.
Trong khi đó, quy chế tuyển sinh năm nay có quy định riêng với yêu cầu cao hơn với thí sinh vào các ngành sư phạm. Cụ thể, trong khi các ngành khác không có ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung như mọi năm thì riêng sư phạm sẽ có điểm sàn tối thiểu. Ngay cả phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh phải có học lực giỏi và hạnh kiểm khá lớp 12 mới được nộp hồ sơ theo hình thức này. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc “siết” chất lượng đầu vào trong khi chỉ tiêu không giảm, nhân lực dư thừa vẫn chưa phải là cách hay để thu hút người giỏi vào học sư phạm.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng có khả năng việc xét tuyển vào các ngành sư phạm năm nay sẽ cạnh tranh hơn. Bởi lẽ chỉ tiêu tuyển sinh năm nay được “siết” chặt hơn trong khi đây lại là ngành có quy định riêng về điểm chuẩn đầu vào với yêu cầu cao hơn các ngành khác. Vì vậy tỷ lệ “chọi” có thể sẽ cao hơn, đặc biệt các trường lớn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm giảm, đồng thời Bộ tiếp tục xác định điểm sàn riêng cho các ngành sư phạm nên có thể dẫn đến tình trạng những trường chưa thu hút được nhiều thí sinh đăng ký sẽ khó tuyển nếu điểm sàn cao.
Tuy nhiên theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, việc tuyển sinh có thể yêu cầu cao hơn về chất lượng nhưng có những ẩn số đang là bài toán để ngỏ về vấn đề việc làm, đặc biệt trong bối cảnh số HS có xu hướng ngày càng giảm dần.
“Để xã hội tin tưởng và thu hút được người thực sự giỏi vào sư phạm thì vấn đề còn nằm ở chỗ đào tạo gắn chặt với tuyển dụng. Việc này không thể giải quyết tuyệt đối như người học trường công an, quân đội thì ít nhất tỷ lệ người tốt nghiệp sư phạm phải có việc làm cao trong các ngành nghề. Ngoài ra, đó còn là những chính sách đãi ngộ hợp lý với người thầy sau khi ra trường”, ông Hồng nói.
Còn theo một phụ huynh tại TP.HCM, muốn HS giỏi vào sư phạm nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi thực hiện được những chính sách này, ngành sư phạm không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn luôn tuyển được HS khá, giỏi.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng những sự việc liên tiếp xảy ra trong nhà trường vừa qua sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc lựa chọn học ngành sư phạm của HS.
“Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các trường sư phạm cần ngồi lại với nhau để đưa ra những đề xuất tham mưu lên cấp cao hơn nhằm thay đổi chính sách ngành sư phạm. Một số nước đã coi giáo dục là chìa khóa làm con đường phát triển thì chúng ta cũng nên như vậy. Có chính sách tốt thì mới có thầy cô giáo tốt, bớt đi những câu chuyện không hay xảy ra trong nhà trường. Chương trình, sách giáo khoa hay cỡ nào mà thầy cô không chuyển tải được, không toàn tâm, không đảm bảo chất lượng thì không thể đảm bảo mục tiêu chúng ta mong muốn. Trong đó, việc làm cho giáo viên cũng là điều rất quan trọng. Trong thời điểm hiện nay, HS nào chọn ngành sư phạm cũng đều yêu nghề, đều muốn có công ăn việc làm ổn định. Nhưng khi ra trường, do cung cầu không cân đối, dẫn đến nhiều người không làm được nghề mình chọn, dẫn đến tiêu cực”, ông Ngai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.