Còn ai sẽ vào sư phạm?

09/04/2018 08:24 GMT+7

Hàng loạt câu chuyện nhức nhối xảy ra trong môi trường giáo dục thời gian gần đây từ chuyện bất chấp lo lót để được dạy hợp đồng đến ứng xử thô bạo giữa thầy - trò - phụ huynh, trong khi chế độ lương chưa được cải thiện khiến mọi người lo ngại trong tương lai, người giỏi không ai muốn chọn sư phạm .

Phóng viên Báo Thanh Niên đã thực hiện một khảo sát nhanh với học sinh (HS) lớp 12 một số trường phổ thông về việc chọn đăng ký xét tuyển vào khối ngành sư phạm trong năm nay.
Chọn nghề giáo chỉ vì... thích
Chúng tôi chọn ngẫu nhiên 128 HS của 3 lớp 12 không thuộc lớp chuyên Trường THPT Trương Định (Tiền Giang). Trước câu hỏi có dự định đăng ký xét tuyển ngành sư phạm trong năm nay, nhiều HS đánh dấu vào lựa chọn “không”. Ở lớp 12/1 chỉ có 3/44 HS chọn sư phạm. Số lượng này ở lớp 12/3 là 8 trong tổng số 40 HS. Chỉ riêng lớp 12/2 trong số 44 HS thì có tới một nửa chọn nguyện vọng học sư phạm.
Nghề giáo rất quan trọng với sự phát triển một đất nước nhưng hiện nay không có sức hút với HS, đặc biệt là những HS có năng lực thực sự vì nghề giáo đang bị thờ ơ và có tỷ lệ thất nghiệp cao

Nguyễn Ngọc Minh Anh (HS Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)

Một khảo sát tương tự được thực hiện tại Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM). Trong số 71 phiếu được thu về, chỉ có 7 HS chọn nguyện vọng học sư phạm.
Lý giải việc chọn học sư phạm, HS Huỳnh Thị Hương Hảo (Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) nói: “Bởi em thực sự yêu thích công việc này và bản thân có những ảnh hưởng từ mẹ em đang là giáo viên tiểu học”.
Tuy nhiên, Hảo chia sẻ: “Gần đây có nhiều trường hợp không hay về vi phạm đạo đức nghề nghiệp giáo viên sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho lớp trẻ muốn theo đuổi công việc này về các chuẩn mực cơ bản của một nhà giáo chân chính. Ở thời đại ngày nay, chúng ta không cần một người thầy chỉ biết cho chữ mà còn phải năng động, nắm bắt xu thế và tâm lý học trò để không chỉ là cha mẹ mà còn là bạn, người đồng hành với người học”.
Trong số 7 HS của Trường Nhân Việt chọn sư phạm, lý do duy nhất là yêu thích nghề giáo, yêu thích trẻ em. Nguyễn Du Hải Âu, HS lớp 12A6, kể rằng yêu mến ngành sư phạm từ khi đến thăm trường chuyên biệt dành cho HS khiếm thị. Ở đó, Âu được truyền cảm hứng lạc quan và muốn truyền ngọn lửa ấy đến thế hệ sau. Dù yêu thích nghề giáo, đánh giá là nghề cao quý, nhưng Âu vẫn cho rằng nghề này hơi “bạc” vì lương thấp và nhiều phụ huynh đối xử không đúng và không trân trọng thầy cô. HS Hoàng Ngân cũng cho biết chọn thi vào ngành này đơn giản vì rất thích trẻ con.
Quá nhiều áp lực để nói không!
Phần lớn HS từ chối học sư phạm do thực tế của nghề này hiện nay quá nhiều vấn đề.
Thu nhập của nghề giáo hiện nay không trả lương cân xứng với mức độ quan trọng của nghề và không đủ cho nhu cầu của em
Minh Nhị (HS Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)

Minh Nhị, HS lớp 12A3 Trường THPT Nhân Việt, kể có ba là giáo viên. Công việc của ông quá cực nhọc. Nhị cảm thấy mình không phù hợp và không đủ năng lực để làm giáo viên. Vì làm giáo viên rất khó. Không những phải có chuyên môn mà còn cần lòng vị tha, biết nhìn rõ mọi khía cạnh để đưa ra quyết định. “Em cũng rất thích tiền. Thu nhập của nghề giáo hiện nay không trả lương cân xứng với mức độ quan trọng của nghề và không đủ cho nhu cầu của em”, Nhị cho biết. HS Hoàng Tuyên, cũng đưa ra lý do không chọn lựa nghề giáo vì cho rằng nghề này tù túng, không có cái mới, chỉ theo một khuôn mẫu nhất định. Ngoài ra, lương nghề này quá thấp và môi trường có áp lực cao.
Cẩm Nhi, HS lớp 12A5 trường này, cũng cho rằng nghề giáo phải chịu áp lực lớn về giảng dạy, áp lực về tài chính (lương thấp), áp lực về cơ hội việc làm khó khăn khi ra trường.
Nguyễn Ngọc Minh Anh (HS Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) nhìn nhận: “Nghề giáo rất quan trọng với sự phát triển một đất nước nhưng hiện nay không có sức hút với HS, đặc biệt là những HS có năng lực thực sự vì nghề giáo đang bị thờ ơ và có tỷ lệ thất nghiệp cao”.
Chính vì vậy Phan Hoài Thẩm Phương (HS Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) tuy chọn nghề giáo nhưng cũng rất âu lo. Thẩm Phương nói trong lo ngại: “Gần đây tình trạng giáo viên thất nghiệp trở nên đáng báo động, điều đó dấy lên trong em nỗi lo sợ cho tương lai của mình”.
Phụ huynh H.T.N có con học lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cho biết ban đầu gia đình đã có định hướng cho con đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm nguyện vọng đầu tiên. Lý do ở thời điểm đó là nữ sinh này yêu thích nghề giáo và gia đình muốn con có một công việc và cuộc sống ổn định. Nhưng ngay ở thời điểm bắt đầu đặt bút khai hồ sơ, gia đình lại chuyển sang hướng khác.
Giáo sinh thực tập tại một trường THCS ở TP.HCM Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Không phải vì không yêu thích nghề giáo nhưng gia đình cảm thấy không thực sự an tâm trước tình trạng dư thừa giáo viên quá nhiều trong khi áp lực xã hội lên môi trường sư phạm đang quá lớn”, phụ huynh này chia sẻ.
Thầy giáo Phạm Thư Tùng (Trường THPT Ernst Thalmann, giải nhất giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin) cho rằng ngành sư phạm đang thiếu sức hút, người giỏi không mặn mà vào học. Lý do chủ yếu là vì lương, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nghề giáo. Bên cạnh đó, việc khủng hoảng thừa giáo viên ở một số cấp học, một số tỉnh, thành là có thật. Đây là bài toán khó giải quyết và tất cả những điều đó gây ra áp lực cho những HS đang có mong muốn lựa chọn ngành sư phạm.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết một số vấn đề có liên quan đến nghề giáo xảy ra có thể đã tác động đến tâm lý HS và phụ huynh trong việc định hướng lựa chọn nghề giáo. “Thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tôi gặp không ít những trăn trở của HS và phụ huynh khi định hướng theo đuổi nghề giáo”, thạc sĩ Khang nói.
Hơn 50% giáo viên không muốn chọn lại nghề
Vào năm 2013, PGS-TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục VN, thực hiện một khảo sát trên 500 giáo viên và 27 hiệu trưởng. Kết quả khảo sát cho thấy các ý kiến đều cho rằng mức lương thấp, cường độ lao động của nhà giáo rất cao nên áp lực ngày càng nặng nề. Năm năm trôi qua, những tồn tại này không được cải thiện mà càng trầm trọng thêm.
Cũng trong khảo sát này, với câu hỏi: “Nếu được chọn lại nghề thì liệu ông/bà có chọn nghề dạy học nữa không?”, có 40,9% trong số 216 giáo viên tiểu học, 59% trong số 144 giáo viên THCS và 52,4% trong số 166 giáo viên THPT có câu trả lời: “Không”. Đặc biệt tại TP.HCM, 75% giáo viên tiểu học được hỏi không muốn chọn lại nghề giáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.