Còn 300.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung

26/08/2015 09:00 GMT+7

Hôm nay (26.8) là ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung . Ở đợt xét tuyển này, thí sinh điểm cao vẫn còn nhiều cơ hội.

Hôm nay (26.8) là ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ở đợt xét tuyển này, thí sinh điểm cao vẫn còn nhiều cơ hội.
 
Thí sinh đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa sau buổi tư vấn “Cơ hội nào cho nguyện vọng bổ sung” - Ảnh: Đào Ngọc ThạchThí sinh đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa sau buổi tư vấn “Cơ hội nào cho nguyện vọng bổ sung” - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thông tin trên được cung cấp tại buổi trực tuyến số cuối cùng do Báo Thanh Niên phối hợp với cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM tổ chức tại địa chỉ http://www.thanhnien.com.vn sáng qua.
Những lưu ý khi nộp hồ sơ
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thống kê của các trường cho thấy sau xét tuyển nguyện vọng 1 mới có khoảng 300.000 thí sinh (TS) trúng tuyển trong tổng số 600.000 chỉ tiêu. Như vậy, ở nguyện vọng xét tuyển bổ sung, TS vẫn còn lựa chọn ở khoảng 300.000 chỉ tiêu còn lại trong các trường ĐH và CĐ trên cả nước.
Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, số TS điểm cao chưa trúng tuyển khá nhiều. Về cách thức nộp hồ sơ đợt này, tiến sĩ Nghĩa nói: “Có 2 điểm TS cần biết là thời gian đăng ký xét tuyển đã rút ngắn lại so với công bố trước đó. Đặc biệt, trong đợt xét tuyển này TS không cần phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc mà chỉ cần khai báo mã vạch vào phiếu đăng ký xét tuyển để nộp vào các trường”.
Tuy nhiên, dù không phải nộp giấy chứng nhận bản gốc nhưng TS không thể sử dụng 3 giấy còn lại để nộp cùng lúc vào 5 - 7 trường khác nhau. Nếu TS sử dụng 1 mã vạch để đăng ký vào nhiều trường thì trường nào có được mã vạch đầu tiên sẽ có được dữ liệu, TS có thể mất cơ hội ở trường mình thực sự muốn. “TS cần nắm rõ “luật chơi” này để không bị phạm quy và mất cơ hội. Với 3 giấy, TS được đăng ký vào 3 trường với tổng cộng 12 ngành, nhưng mỗi giấy 1 mã vạch TS chỉ được nộp vào 1 trường. Khác với xét đợt 1, đợt này TS không được rút ra nộp lại nên cần rất cẩn trọng”, tiến sĩ Nghĩa khuyên.
Ngành nào còn chỉ tiêu ?
Về cơ hội xét tuyển bổ sung tại ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin, hiện chỉ có Trường ĐH Quốc tế thông báo xét tuyển thêm 2 ngành gồm kỹ thuật xây dựng (24 chỉ tiêu) và quản lý nguồn lợi thủy sản (10 chỉ tiêu).
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng chỉ tuyển thêm 30 chỉ tiêu ngành bảo dưỡng công nghiệp (bậc CĐ) với mức điểm từ 12,25 trở lên.
Trong khi đó, cơ hội xét tuyển vào các trường ngoài công lập còn nhiều. Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, ở đợt xét tuyển bổ sung trường dành chỉ tiêu còn lại cho 14 ngành ĐH và 1 ngành CĐ, tập trung vào khối ngành khoa học công nghệ, quản trị, thiết kế và kinh tế. Chỉ tiêu các ngành dao động từ 30 - 80 với mức điểm xét tuyển từ 15 - 17 (bậc ĐH) và 12 trở lên (bậc CĐ).
Thạc sĩ Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng thông tin, trường sẽ xét bổ sung cho tất cả các ngành với 1.500 chỉ tiêu ĐH và 500 CĐ thông qua hình thức học bạ hoặc kết quả THPT quốc gia. Trong đó riêng ngành xét nghiệm y học TS phải từ 16 điểm trở lên, dược học 18 trở lên, các ngành còn lại từ sàn 15 trở lên.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM còn 2.100 chỉ tiêu xét bổ sung (trong đó ĐH 1.500 và CĐ 600). Mức điểm xét tuyển bậc ĐH khác nhau ở các ngành như: ngôn ngữ Nhật 17, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 16...
Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM dành 660 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung với các mức điểm xét tuyển: luật kinh tế, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh 16; marketing 17, kế toán 15,5…
Còn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành ở mức khác nhau, có ngành chưa tới 10% nhưng nhiều ngành chỉ tiêu vẫn lớn. Trong đó, TS nộp hồ sơ xét tuyển ngành dược phải có điểm từ 18,75 trở lên, các ngành còn lại 15 điểm.
Nhiều ngành “nóng” vẫn chờ thí sinh
Ở khối ngành năng khiếu, nhiều trường vẫn xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thông báo xét tuyển các ngành học của trường tại cơ sở Đà Lạt và Cần Thơ với mức điểm chỉ từ 15,25 - 16,5 điểm. Tại Trường ĐH Văn Lang, những ngành thu hút TS trong đợt 1 như kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, thiết kế công nghiệp vẫn tiếp tục xét tuyển đợt 2. Tuy nhiên, chỉ tiêu nhiều nhất chỉ nằm ở ngành kiến trúc và thiết kế công nghiệp (100 chỉ tiêu/ngành). Các ngành còn lại chỉ nhận 20 TS/ngành. Tuy nhiên, TS phải cân nhắc điểm số của mình vì các ngành này lấy điểm chuẩn khá cao (22 - 24 điểm).
Các ngành khối C không có nhiều trường xét tuyển. Hiện nay, ở phía nam có Trường ĐH Văn hóa xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu 3 ngành bậc CĐ với mức 12 điểm trở lên: khoa học thư viện, kinh doanh xuất bản phẩm và quản lý văn hóa. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xét tuyển 6 ngành bậc ĐH ở các phân hiệu, cũng như các ngành đào tạo cử nhân quốc tế.
Đăng Nguyên
Lo ngại thí sinh nộp bản sao giấy chứng nhận điểm
Ngày 24.8, Bộ GD-ĐT có công văn về việc tuyển sinh ĐH, CĐ trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Bộ quy định TS sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất, gửi phiếu theo một trong các phương thức: nộp tại sở GD-ĐT hoặc trường THPT do sở quy định; qua đường bưu điện; nộp trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, TS đăng ký qua đường bưu điện và nộp trực tiếp tại trường ĐH, CĐ cần kèm theo bản sao chứng nhận kết quả thi. Đây là điểm bổ sung so với công văn ngày 21.8 trước đó của Bộ (không yêu cầu nộp giấy chứng nhận điểm).
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, quyết định này để giải quyết vấn đề kỹ thuật, hỗ trợ các trường có máy quét mã vạch làm việc thuận tiện, nhanh chóng hơn. Nếu TS chỉ khai số mã vạch vào mẫu giấy đăng ký xét tuyển, các trường phải nhập số này, sẽ chậm hơn.
Tuy nhiên, việc nộp giấy chứng nhận điểm bản sao gây ra một số lo ngại cho các trường.
Trưởng phòng đào tạo một trường cho biết có thể xảy ra trường hợp thay vì chỉ được nộp tối đa 3 trường, TS sao rất nhiều giấy chứng nhận điểm, rải đều cho nhiều trường. Về kỹ thuật, khi có trường đã nhập được mã vạch, các trường khác không nhập được nữa. Khi TS nộp nhiều trường, có thể xảy ra tình trạng giành giật TS. Ngoài ra, có thể TS sẽ trúng tuyển ngành/trường mình không thích.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cho biết khi TS nộp quá nhiều trường, có thể xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý TS chỉ được nộp mỗi phiếu chứng nhận điểm bản sao vào một trường. Khi trúng tuyển trường nào, TS mới mang phiếu chứng nhận điểm (bản chính) đến trường mình thích nhất để làm thủ tục nhập học.
Đ.Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.