Có ý kiến đề nghị hoãn thông qua luật Giáo dục ĐH sửa đổi

Hà Ánh
Hà Ánh
22/09/2018 07:04 GMT+7

Trước nhiều vấn đề còn gây tranh cãi, các chuyên gia giáo dục đã mạnh dạn đề nghị hoãn thông qua dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH để tiếp tục hoàn thiện.

Đề nghị này được đưa ra trong hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 21.9. Hội thảo nhằm góp ý hoàn thiện dự án trước khi được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14.
Còn nhiều vấn đề về câu chữ
Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Phạm Phương Thảo nêu lên nhiều vấn đề chưa ổn của dự thảo này. Chẳng hạn, một điều luật tới 3 trang là quá dài dòng. Trong số 37 điểm sửa đổi thì điều khoản giao cho Chính phủ quy định có tới 10 điều là quá nhiều.
Theo bà Thảo có những nội dung đưa vô luật cần rõ ràng, nếu không thì không nên đưa vào. Chẳng hạn về đảm bảo chất lượng, ai thống kê chính xác sinh viên học trường đó có việc làm? Ngay cả có việc làm thì đánh giá chất lượng phải có điều tra xã hội học từ các đơn vị sử dụng lao động mới đáng tin cậy. “Có những trường nói đào tạo sinh viên có việc làm 80 - 90% nhưng có đáng tin cậy không?”, bà Thảo đặt vấn đề.
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng cho rằng một số khái niệm trong dự thảo còn mâu thuẫn. Ví dụ điều 1 quy định giáo dục ĐH là trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Còn điều 11 lại quy định ĐH đào tạo các trình độ sau giáo dục phổ thông - một mảng rất lớn.
Tương tự, tiến sĩ Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Quản lý hành chính Học viện Cán bộ TP.HCM, cũng cho rằng dự thảo này có một số thuật ngữ giải thích dài dòng. Ở khoản 2 điều 54 sử dụng thuật ngữ không thống nhất, khi thì “chức danh giảng viên” lúc thì “chức danh nghề nghiệp giảng viên”.

Trong khi đó , PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lại cho rằng Điều 54  có chi tiết phải khen. Các quy định trước đây khiến các trường bị vướng ở các hoạt động thực hành. Với quy định giảng viên dạy ĐH phải từ trình độ thạc sĩ trở lên nhưng điều 54 có ghi thêm “trừ trợ giảng” nên rất đáng khen.

Trước nhiều vấn đề được nêu lên, GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề nghị nên mạnh dạn hoãn thông qua dự thảo này. Đồng thời lập tổ nghiên cứu hướng tới xây dựng luật Giáo dục ĐH sửa đổi, đặc biệt chú ý cải cách tài chính.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết: "Thật ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc xem xét và thấy phần sửa đổi lần này về cơ bản bước đầu cũng đã thoả phần nào đó. Tuy nhiên quá trình thảo luận chúng tôi sẽ hệ thống hoá lại, trực tiếp có văn bản cụ thể báo cáo đến thành viên ban soạn thảo có cái nhìn đầy đủ hơn".

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng: "Hội thảo có nhiều ý kiến khác nhau vì vậy chúng tôi cố gắng tiếp thu những vấn đề chung nhất. Trong đó, có một số nội dung đã được chỉnh lý trong nội dung dự thảo  nhưng do thời gian gửi bản dự thảo mới tới đại biểu hơi gấp nên đại biểu chưa quán xuyến hết được nôi dung".

Cứ thành lập thêm trường được gọi “ĐH” ?
Nhiều ý kiến tập trung bàn luận về điều kiện để chuyển đổi “trường ĐH” thành “ĐH” dựa vào dự thảo này.
Không thực hiện kiểm định bị dừng tuyển sinh 5 năm?
Một số đại biểu đặt vấn đề về quy định chế tài trong đảm bảo chất lượng ĐH. Bà Phạm Phương Thảo nói: “Điều 33 quy định trường không thực hiện kiểm định hoặc thực hiện không đạt bị dừng tuyển sinh 5 năm. Điều 34 cũng ghi, nếu vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không được tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm tới. Thời gian chế tài này có dài quá không?”.
Trước các băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết nếu nghiên cứu kỹ quy định trường ĐH nước ngoài chế tài thì bao giờ cũng phải nghiêm ngặt để chỉ cần đọc đã không dám vi phạm. Càng tự chủ thì chế tài càng nghiêm khắc.
Đến nay cả nước đã có 117 trường ĐH được cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ý kiến: “Theo dự thảo này, ĐH phải là trường đào tạo đa lĩnh vực. Nếu hiểu theo nghĩa nào đó thì các trường đào tạo sức khỏe như chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành một ĐH. Trên thế giới có những ĐH nổi tiếng dù chỉ đào tạo chuyên ngành sức khỏe nhưng vẫn là ĐH gồm 4 trường. Vậy thì khái niệm ĐH có phù hợp không?”.
PGS-TS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng băn khoăn: “Nếu theo dự thảo này, Trường ĐH Văn Lang muốn trở thành ĐH phải thành lập một số trường trong trường thì có nên không? Nên đặt ra các tiêu chí các trường phấn đấu đạt được thì trở thành ĐH chứ không phải do một ai đó ban phát”.
Liên quan vấn đề này, PGS-TS Thái Bá Cần kiến nghị: “Quan niệm ĐH là một trường ĐH lớn là không phải, vì không thể một trường ĐH cứ mở rộng đa lĩnh vực để trở thành ĐH”.
Còn GS Phạm Phụ có nhiều trăn trở về khái niệm “ĐH quốc gia”. Theo ông Phụ, ĐH này ban đầu được tạo nên là một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực nhưng lại được ghép từ nhiều trường đào tạo chuyên ngành. Qua thời gian tồn tại, mô hình này cũng chưa phát huy được nhiều. Từ đó, theo GS Phụ, trước hết nên để ĐH quốc gia thành một hiệp hội, tạm thời cho phép các trường ĐH thành viên được lập hội đồng trường và giao quyền tự chủ. Còn về mặt lâu dài thì ĐH không thể ghép các trường ĐH lại với nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng “trường” được hiểu là đơn vị, bộ phận thuộc trường ĐH, không có tài khoản riêng. Còn ĐH có thể có các trường ĐH thành viên, trường, thậm chí khoa. Bà Phụng cho biết sẽ ghi nhận và đề nghị xem xét lại điều kiện từ trường ĐH thành ĐH cần có trường thành viên.

Trường công hay tư đều bình đẳng cơ hội thành ĐH

Trao đổi  thêm với phóng viên Thanh Niên, bà Phụng cho rằng theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH có ĐH, trường ĐH, học viện. Trường ĐH và học viên (gọi chung là trường ĐH) là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo một hoặc nhiều lĩnh vực; có khoa, phòng; trường, viện (nếu có) và một số đơn vị khác.

Trong hệ thống hiện nay của Việt Nam chủ yếu là các trường ĐH. Về lĩnh vực đào tạo có thể có 1-2 hoặc nhiều lĩnh vực. Về tổ chức thường có khoa và phòng.

Dự thảo quy định các trường ĐH có thể thành lập các trường bên trong (nước ngoài gọi là các schools). Ví dụ,Trường ĐH Cần thơ có thể có trường nông lâm, trường sư phạm, trường công nghệ... Trường ĐH Bách khoa có thể có trường kỹ thuật, trường công nghệ, trường kinh tế... Thường mỗi lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực gần nhau do một trường/school đảm nhiệm.

Khi đào tạo nhiều lĩnh vực, các trường ĐH có thể vẫn cứ là trường ĐH (trong có nhiều trường), hoặc có thể chuyển thành ĐH theo quy định của Chính phủ.

ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo nhiều lĩnh vực, bao gồm các trường ĐH và /hoặc trường, viện nghiên cứu và một số đơn vị khác cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Như vậy, ĐH  nhất thiết phải là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo đa lĩnh vực. Hiện chỉ có 5 ĐH do nhà nước thành lập từ hơn 20 năm trước bằng cách ghép hành chính các trường ĐH trên địa bàn. Tuy nhiên, giờ không có chủ trương nhà nước ghép các trường ĐH thành ĐH bằng biện pháp hành chính nữa. Các trường ĐH, nếu thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung... thì có thể tự nguyện ghép thành ĐH để cộng lực, phát triển thì đó là quyền tự chủ của các trường.

Có hai cách hình thành ĐH: các trường ĐH tổ hợp lại với nhau hoặc một trường ĐH lớn mạnh, phát triển thành ĐH. Như vậy là bình đẳng về cơ hội cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH trong toàn hệ thống, không đóng khung chỉ có 5 ĐH do nhà nước thành lập trước đây. Các trường công hay tư đều có thể tổ hợp lại với nhau để lớn mạnh, cạnh tranh trong nước và quốc tế, nâng cao thứ hạng và cộng lực phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.