Cố vấn học tập mà tư vấn sai

27/12/2014 06:17 GMT+7

Mặc dù học chế tín chỉ đã triển khai và thực hiện được 20 năm, nhưng đến nay một bộ phận hết sức quan trọng quyết định hiệu quả của quy trình đào tạo là cố vấn học tập lại chưa được định vị rõ ràng.

Mặc dù học chế tín chỉ đã triển khai và thực hiện được 20 năm, nhưng đến nay một bộ phận hết sức quan trọng quyết định hiệu quả của quy trình đào tạo là cố vấn học tập lại chưa được định vị rõ ràng.  

Cố vấn học tập mà tư vấn saiSinh viên có thành công trong quá trình học tập và rèn luyện hay không phụ thuộc rất nhiều vào cố vấn học tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Vai trò cố vấn học tập trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại các trường ĐH-CĐ VN”, do  Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 26.12. 

Tích lũy đủ tín chỉ mà vẫn không được tốt nghiệp

Làm cố vấn mà không nắm rõ chương trình đào tạo của các chuyên ngành, không hiểu quy trình hoặc không cập nhật được những quy định mới thì không thể nào giúp sinh viên học tập hiệu quả

Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có 10 - 20% sinh viên (SV) sai sót về quy trình học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu. Nguyên do bản thân đã mù mờ về phương pháp học tín chỉ, lại bị giảng viên cố vấn học tập tư vấn sai. “Chẳng hạn, cố vấn khuyên SV không cần học môn này trong khi chương trình có yêu cầu, hoặc tư vấn học môn B trước môn A trong khi đúng ra môn A phải học trước. Có thời gian trường phải chữa cháy bằng cách tổ chức cho SV học bổ sung những học phần bị thiếu do sự nhầm lẫn, sai sót này”, ông Tứ kể lại.

Ông Tứ còn cho biết không ít trường hợp khi SV đến hỏi giáo vụ khoa nhờ tư vấn thì cố vấn lại chỉ lên phòng đào tạo để hỏi. “Với số lượng hàng vạn SV như vậy thì 3, 4 thầy cô ở phòng đào tạo không thể nào đáp ứng được nhu cầu này. Làm cố vấn mà không nắm rõ chương trình đào tạo của các chuyên ngành, không hiểu quy trình hoặc không cập nhật được những quy định mới thì không thể nào giúp SV học tập hiệu quả”, ông Tứ chia sẻ. Từ đó, dẫn đến các tình huống SV tích lũy đủ số tín chỉ, thậm chí nhiều hơn yêu cầu nhưng lại không thể tốt nghiệp được do sai quy trình.

Chưa phải là chuyên trách

Thạc sĩ Huỳnh Xuân Nhựt, có 5 năm làm công tác cố vấn ở Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng do lực lượng cố vấn học tập ở trường ĐH hiện chưa phải là chuyên trách, chủ yếu là giảng viên kiêm nhiệm, nên chỉ nắm vững chuyên môn mà không nắm rõ những văn bản quy định của nhà trường, dẫn đến khó tránh khỏi việc tư vấn nhầm hoặc không thể tư vấn.

Phụ cấp quá thấp

Khảo sát của GS-TS Trần Thị Minh Đức và cộng sự Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, tiến hành trên 244 giảng viên đang là cố vấn học tập của 17 trường ĐH trên cả nước, cho thấy có tới 34,6% cố vấn nhận được thù lao dưới mức 500.000 đồng/năm, tính ra mỗi tháng chỉ hơn 40.000 đồng. Có 16,3% không nhận được phụ cấp và cũng không biết về khoản tiền này. Chỉ có khoảng 6,4% cố vấn học tập nhận được khoản phụ cấp trên 2 triệu đồng/năm.

Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Lan, Viện Sư phạm kỹ thuật Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Năm học 2013 có khoảng 500 SV bị đình chỉ ngay sau khi kết thúc năm thứ nhất do kết quả học tập không đạt. Tôi cho rằng kết quả này chủ yếu do bản thân SV, nhưng trong đó vẫn có sự tác động của bộ phận cố vấn học tập. Vì SV năm nhất thường bỡ ngỡ, không biết phải học môn gì trước, môn gì sau, hơn nữa do thay đổi môi trường sống, học tập nên rất cần sự hướng dẫn, động viên. Nếu cố vấn học tập làm tốt sẽ hạn chế được rất nhiều những trường hợp đáng tiếc như trên”.

Theo thạc sĩ Trịnh Thị Phan Lan, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong đào tạo học chế tín chỉ, vai trò của cố vấn học tập rất quan trọng và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công trong học tập, rèn luyện của SV. Mỗi cố vấn học tập sẽ là cầu nối giữa SV với chương trình đào tạo và nhà trường. Tuy nhiên, chưa có trường nào có được một tài liệu (cẩm nang cố vấn học tập) hướng dẫn quy trình. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ nhận định: “Không có quyền lợi rõ ràng nên trách nhiệm về công việc này cũng còn mơ hồ. Các trường đúng ra phải cụ thể hóa, quy định chi tiết để người cố vấn biết mình làm công việc đó thì phải làm những gì, có quyền lợi gì, nếu không làm tốt phải chịu trách nhiệm như thế nào”. 

Ý kiến

Trang bị thêm kiến thức

Các trường ĐH-CĐ cần trang bị cho đội ngũ cố vấn học tập những kiến thức, trao đổi kinh nghiệm cần có, đồng thời phải tổ chức lại công tác chủ nhiệm lớp tách biệt với công tác cố vấn học tập; phải có sự đánh giá kết quả hoạt động này trong từng học kỳ để điều chỉnh giúp hiệu quả hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Giang 
(giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) 

Ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của sinh viên

Phương thức đào tạo tín chỉ là đặt SV vào trung tâm, do đó đòi hỏi tính chủ động rất cao. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn đối với SV trong những năm đầu tiên ở đại học. Do đó, cố vấn học tập là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và rèn luyện của SV.

Thạc sĩ Trịnh Thị Phan Lan 
(Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.