'Có những nhà khoa học đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình'

07/07/2016 15:23 GMT+7

Đó là lời chia sẻ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế: Khoa học cơ bản và xã hội diễn ra tại Bình Định sáng nay 7.7.

Sáng 7.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam cùng với hơn 200 nhà khoa học quốc tế đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị quốc tế: Khoa học cơ bản và xã hội tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định).
 
Nhiều nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Trong các nhà khoa học quốc tế có 5 người từng đạt giải thưởng Nobel, gồm: David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004), Jean Jouzel (Nobel hòa bình năm 2007), Finn Erling Kydland (Nobel kinh tế năm 2004), Kurt Wüthrich (Nobel hóa học năm 2002), Jerome Isaac Friendman (Nobel vật lý năm 1990) và GS Ngô Bảo Châu (Huy chương Field năm 2010)... Đây là hội nghị kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond (sáng lập từ năm 1966 bởi GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam), với sự hỗ trợ của UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ KH-CN, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định, phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu (ở Thụy Sĩ), Viện quốc tế SOLVAY (Bỉ)...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sứ mệnh của các nhà khoa học, thành quả mà Gặp gỡ Moriond đã mang lại cho nền khoa học của nhân loại và những tâm huyết của GS Trần Thanh Vân, GS Nguyễn Văn Hiệu (viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) cùng các cộng sự để Gặp gỡ Việt Nam góp phần mang thêm hơi thở, sắc màu mới cho khoa học Việt Nam.
“Tại sao chúng ta không lạc quan mà tin rằng 30 năm sau, ở một nơi nào đó, lễ kỷ niệm 50 năm sinh nhật Gặp gỡ Việt Nam sẽ được tổ chức, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trong đó có những gương mặt trẻ có mặt ở đây ngày hôm nay. Và tại lễ kỷ niệm đó, một điều sẽ được nhấn mạnh rằng, có những nhà khoa học dành được nhiều giải thưởng cao quý về khoa học, kể cả giải Nobel sau khi tham gia Gặp gỡ Việt Nam”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với ông Marc Henneaux (Giám đốc viện quốc tế SOLVAY)

GS Ngô Bảo Châu trò chuyện với các giáo sư Finn Erling Kydland, Kurt Wüthrich Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, đào tạo, của các nhà khoa học quốc tế dành cho Việt Nam, trong đó có GS Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của Gặp gỡ Việt Nam.
"Có những nhà khoa học đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. GS Pierre Darriulat là một trong số đó. Giáo sư không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn tham gia đóng góp về chính sách phát triển; chính sách khoa học, công nghệ", Phó thủ tướng nói.
 
GS Trần Thanh Vân trò chuyện với các nhà khoa học Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị: Khoa học cơ bản và xã hội (ngày 7 - 8.7), các đại biểu sẽ thảo luận 7 chủ đề: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.