Có người Việt nào không muốn tăng chiều cao?

02/10/2018 12:00 GMT+7

Chương trình sữa học đường với mục đích giảm tối đa trình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em đã được Chính phủ quyết từ cách đây 2 năm, nay lại được “bàn ra tán vào” trên nhiều kênh truyền thông mạng.

Theo Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7.2016, chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Mục đích phải cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua việc phải cho trẻ uống sữa hằng ngày. Chương trình được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia của nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Chương trình được “xới” lại bởi một số lo ngại về chất lượng, tính hiệu quả…
Uống sữa là câu chuyện của thế giới từ giữa thế kỷ trước
Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung nguồn dinh dưỡng cho trẻ là điều cần thiết và không có gì phải bàn cãi. Một vài tư liệu trong chiến lược nâng chiều cao người Nhật từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy, từ những năm đầu thập niên 1960, quốc gia xứ mặt trời mọc này đã dành riêng luật quy định trẻ em đi học tại trường học phải bảo đảm đủ chất dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt một thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn là sữa. Cho dù với bữa ăn bổ sung (như cách người Việt gọi là bữa xế - PV) dành cho trẻ nhỏ cũng bắt buộc phải có suất sữa 200 ml. Số liệu cách đây 10 năm, năm 2007, 99,2% trường tiểu học và 85,8% trường trung học cơ sở của Nhật được cung cấp sữa đầy đủ cho trẻ trong các bữa ăn tại trường.
Trước đó, trong một lần phỏng vấn chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Nhật Bản - cố Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Chuyển cũng từng đặt tham vọng nâng tầm vóc chiều cao Việt như cách làm của người Nhật. Theo đó, chương trình dinh dưỡng học đường của Nhật được đặt ra mục đích tăng chiều cao cho trẻ bằng hình thức uống sữa đã giúp người Nhật cải thiện được chiều cao rõ rệt lên đến 10 cm đến nay. Cách nghiên cứu dựa trên đo chiều cao trung bình của nhóm học sinh tự mang cơm ở nhà đến trường và nhóm học sinh ăn tại trường kèm sữa theo chương trình của chính phủ. Đến nay, chiều cao trung bình của người Nhật đã tăng thêm hơn 10 cm so với thời điểm quốc gia này phát động chương trình sữa học đường.
Tại Ba Lan, cách đây đúng 1 năm, tháng 9.2017, trong khuôn khổ tham dự Hội chợ triển lãm thực phẩm và đồ uống của quốc gia này, nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã được tham quan làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở thủ đô Warsaw. Theo một số chuyên gia thực phẩm tại Viện này, nghiên cứu bảo đảm sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em của họ được tiến hành từ hơn nửa thế kỷ trước, bây giờ là câu chuyện của thực phẩm sạch. Không chỉ trẻ em ở Ba Lan mà tại tất cả các nước phát triển, việc trẻ dùng sữa trong các bữa ăn hằng ngày là điều bình thường. Tại Hội chợ thực phẩm được tổ chức hằng năm ở thủ đô nước này, chúng tôi chứng khiến từng đoàn trẻ nhỏ được các cô giáo hướng dẫn tham quan các gian hàng liên quan đến sữa tươi, sữa chua và phô mát. Trẻ từ 3-5 tuổi được các cô hướng dẫn xếp hàng rồng rắn vào xem phim về các công đoạn để cho ra hộp sữa, miếng pho mát mà trẻ ăn hằng ngày thế nào một cách thú vị. Và công đoạn cuối cùng là được thưởng thức những hộp sữa organic từ các hãng sữa đang tham gia giới thiệu triển lãm tại hội chợ một cách thích thú.
Sớm hơn cả Nhật và Ba Lan, chương trình sữa học đường ở Mỹ cũng được triển khai từ những năm 40 thế kỷ trước, cách đây gần 80 năm, chủ yếu tập trung vào các khu vực có thu nhập thấp và sau đó triển khai đại trà mở rộng ra toàn quốc. Đặc biệt, chương trình luôn có sự đồng hành của các hãng sữa lớn và giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Gần Việt Nam là Trung Quốc, cách đây 18 năm, năm 2000, Trung Quốc cũng triển khai chương trình sữa quốc gia cho học sinh sinh viên cả nước. Chương trình sau được nâng lên thành bắt buộc và đến nay, gần 20 triệu sinh viên Trung Quốc được nhận sữa từ chương trình này. Đa số các chương trình sữa học đường tại các nước đều có kết quả khảo sát là trẻ tăng chiều cao trung bình đáng kể. Trung Quốc triển khai năm 2000, đến 2009, tỷ lệ chiều cao trung bình trẻ ở đây đã tăng 1,2 cm mỗi năm.
Nên tổ chức đấu thầu công khai chọn nhà cung ứng
Tại Việt Nam, theo đánh giá của chuyên gia dinh dưỡng, việc triển khai chương trình sữa học đường khá chậm cho với các nước đang phát triển. Tỷ lệ người Việt đang sử dụng sữa thuộc vào nhóm thấp nhất của thế giới đang tỷ lệ nghịch với tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu luôn ở mức rất cao so với thế giới. Đặc biệt, theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam báo cáo năm 2015, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi Việt Nam đang lên tới 24,6%. Người Việt đang tiêu thụ chỉ bằng 1/2 lượng tiêu thụ sữa của người Thái.
Tỏ ra khá ngạc nhiên trước việc không đồng tình chương trình sữa học đường, chuyên gia y dược Thái Nguyễn, Việt kiều Mỹ, cho rằng, các nhà nghiên cứu lĩnh vực dinh dưỡng đổ bao tâm sức nghiên cứu chỉ mong muốn cải thiện chiều cao, sự thông minh của loài người. Người Việt vốn thấp còi do nghèo, nên cải thiện tầm vóc người Việt là khát khao của nhiều nhà khoa học.
“Thế hệ chúng tôi thấp còi do thiếu nguồn dinh dưỡng cần thiết để tăng chiều cao. Một chương trình bổ sung dinh dưỡng bằng sữa giúp trẻ tăng chiều cao là quá tốt, tốt nhất là cần sự đồng hành của chính phủ và doanh nghiệp, giám sát của cơ quan chuyên môn để không bị gián đoạn hay kém chất lượng trong quá trình triển khai. Các nước đang phát triển, đặc biệt người châu Á từ lâu đã nuôi giấc mơ cải thiện chiều cao thế hệ sau, người Nhật và Hàn đã làm được. Chẳng nhẽ người Việt lại không. Có người Việt nào không một lần trong đời mong muốn gia tăng thêm vài centimet về chiều cao?”, chuyên gia Thái Nguyễn chia sẻ.
Trước những băn khoăn về chất lượng, cạnh tranh các nhãn hàng sữa cung cấp cho chương trình, chuyên gia này khuyên các địa phương nên tiến hành việc đấu thầu để chọn nhà cung cấp thống nhất. Theo đó, hãng sữa nào có giá tốt, chất lượng sẽ được chọn, không chọn áp đặt một thương hiệu nào tránh tình trạng tiêu cực không đáng có. Chất lượng và tiêu chuẩn sữa được Bộ Y tế quy định theo chuẩn về dinh dưỡng. Như cách làm của Trung Quốc, ưu tiên tối đa sản phẩm sữa nội địa, quy mô, giá tốt. Nhấn mạnh đến yếu tố cần xã hội hóa tìm nhà cung ứng sữa cho chương trình học đường bằng hình thức đấu thầu và lựa chọn thống nhất, tránh bát nháo, chuyên gia kinh tế cho rằng, đấu thầu nhà cung cấp sữa là hình thức quản lý thị trường văn minh, hiện đại và minh bạch nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.