Có nghề trong tay, lập thân vững chãi

30/11/2020 11:00 GMT+7

Theo các vị khách mời chương trình Có nghề trong tay, lập thân vững chãi, nhân lực có kỹ năng góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày 28.11, tại trường quay tòa soạn Hà Nội - Báo Thanh Niên, kênh truyền hình Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc tọa đàm - giao lưu trực tuyến chủ đề Có nghề trong tay, lập thân vững chãi. Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời: ông Lê Văn Chương, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI; anh Nguyễn Trần Bá Phước, Trung tâm nghiên cứu và phát triển di động Samsung Việt Nam.

Có kỹ năng nghề, lo gì thất nghiệp

Chương trình được mở đầu bằng việc liên tưởng tới quan điểm của người xưa, cha ông ta rất coi trọng kỹ năng nghề. Minh chứng cho quan điểm này là các câu tục ngữ, châm ngôn như “trăm hay không bằng tay quen”, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, hoặc “ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”...
Trong chương trình, ông Lê Văn Chương khẳng định, ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ và tác động rất lớn đến thị trường lao động của Việt Nam.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 ngày 27.9.2019 về một số chủ trương tham gia cuộc các mạng công nghiệp 4.0, trong đó yêu cầu phát triển mạnh đào tạo nghề, và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc.
Bà Lan Anh cũng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ tuyển dụng lao động phổ thông sang lao động có tay nghề. Lợi thế về lao động dồi dào, giá rẻ của Việt Nam đang dần mất đi trong cuộc cạnh tranh lao động có kỹ năng tay nghề của các nước trong khu vực.
Vì vậy trang bị kỹ năng cho người lao động Việt Nam được xem là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của lao động, của quốc gia và góp phần quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Từ góc độ một người trẻ, đạt được những thành tích xuất sắc trong các cuộc thi kỹ năng nghề của khu vực và thế giới, anh Phước cho biết, với ngành của Phước, nếu không có kỹ năng thì chắc chắn không xin được việc. Thậm chí, có việc làm rồi vẫn phải không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức, kỹ năng nếu không muốn bị đào thải. “Doanh nghiệp lúc nào cũng muốn người lao động mang lại lợi ích cho mình. Đương nhiên, nếu không có kỹ năng thì thành quả lao động giảm đi, nên trước sau gì doanh nghiệp cũng sẽ tuyển người khác thế chỗ”, anh Phước nói.

Làm sao để nâng tầm kỹ năng nghề Việt?

Trong phần 2 của chương trình, các vị khách mời, có chung nhận định, trong những năm gần đây kỹ năng lao động của người lao động Việt Nam đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Lao động có kỹ năng người Việt đã từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của doanh nghiệp (mà trước đây những vị trí đó thường là của chuyên gia nước ngoài).
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, chất lượng đào tạo nghề nghiệp của ta tăng 13 bậc (mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng tối thiểu 5 bậc). Trong các kỳ thi tay nghề ASEAN và quốc tế, Việt Nam luôn giành được thứ hạng cao. 10 lần tham dự ASEAN có 3 lần giải nhất, 2 lần giải nhì, 2 lần giải ba. Tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Liên bang Nga, đoàn Việt Nam dành được một huy chương bạc, 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 25 trên 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia dự thi.
Ông Chương nói: “Những kết quả trên đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, đóng góp quan trọng vào việc tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng trưởng GDP của đất nước”.
Còn theo bà Lan Anh, trong số các nguyên nhân quan trọng giúp chất lượng đào tạo nghề tăng lên, phải kể đến giải pháp mang tính đồng bộ, đó là sự đồng hành giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Điều này sẽ đem lại thành công trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, hiệu quả đầu tư của nhà nước được nâng lên, chất lượng đào tạo của nhà trường tốt hơn, doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn.
Anh Phước cũng cho biết, sở dĩ cá nhân anh đạt được những thành tựu lớn trong việc thể hiện kỹ năng nghề là do nỗ lực cá nhân cộng với được đào tạo trong môi trường tốt mà ở đó có sự phối hợp hoàn hảo giữa nhà trường với doanh nghiệp. Học trong trường không là chưa đủ, do thời gian và điều kiện thực hành ít so với yêu cầu. Do đó, việc được trau dồi kỹ năng nghề tại các doanh nghiệp thì đó sẽ là điều kiện rất tốt để các bạn được thử sức và chuẩn bị cho tương lai của mình sau này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.