Có nên tiếp tục ăn tết ta?: GS Trương Nguyện Thành bị phản biện!

19/01/2020 17:03 GMT+7

Ý kiến đề nghị giữ ăn tết ta nhưng giảm số ngày lại của GS Trương Nguyện Thành nhận được rất nhiều ý kiến phản biện. Có vẻ như số ngày ăn tết cổ truyền là thứ gắn bó lâu đời với mọi người và khó bỏ được.

Những người gửi ý kiến về chuyện ăn Tết ta đến Báo Thanh Niên đang làm rất nhiều công việc cho xã hội. Ngoài những người đồng tình, đa số lại phản biện ý tưởng rút ngắn thời gian ăn Tết ta của GS Trương Nguyện Thành.

Không phí phạm thời gian!

Anh Trần Đỗ Thành, Giám đốc một công ty tại Hà Nội, chia sẻ: "Là một doanh nhân, tôi hoàn toàn không nghĩ tết làm phí phạm thời gian cho việc kinh doanh trong nước hay hợp tác với đối tác nước ngoài. Tết là dịp cán bộ công nhân viên được nghỉ ngơi dài ngày để tái sản xuất sức lao động sau một năm làm việc mệt mỏi. Tôi cũng xin lưu ý là số ngày nghỉ phép theo luật của chúng ta hoàn toàn bình thường (thậm chí là thấp so với thế giới). Với đối tác nước ngoài họ hoàn toàn hiểu và tôn trọng tập quán của chúng ta trong 7-10 ngày dịp cuối năm âm lịch, cũng như chúng ta tôn trọng kỳ nghỉ Noel và năm mới của họ. Các vấn đề cần thiết chúng tôi vẫn hoàn toàn trao đổi qua email hay các phương tiện số khác". 
Anh Thành cho rằng có làm việc, kinh doanh kiếm tiền thì cũng phải tiêu tiền để kích cầu cho xã hội, tết cũng là dịp kiếm tiền của các ngành công nghiệp dịch vụ: ăn uống, giao thông, giải trí, du lịch, may mặc... Tết cũng là kỳ nghỉ của người này nhưng đôi khi lại là nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng cao trong cả năm của người khác. Việc coi tết đơn thuần là phung phí thời gian, tiền bạc hay lỡ cơ hội làm việc với đối tác nước ngoài là cực đoan, thiếu biện chứng và thiếu nhân văn. Tết cổ truyền là dịp con cháu có đang ở đâu, có làm gì, có thành đạt hay thất bại như thế nào cũng dành thời gian để hướng về ông bà, cha mẹ, tổ tiên, họ hàng. Cũng là dịp để những người hàng xóm sống gần nhau có dịp thăm hỏi nhau trong suốt cả một năm có khi không kịp nói với nhau câu nào.

Bạn trẻ và tết nguyên đán

Ngọc Dương

"Ở đâu trên thế giới cũng thế thôi, đi cùng với việc chúc mừng năm mới sẽ có những người không kiềm chế được mình mà say xỉn, cờ bạc hay làm những chuyện tiêu cực khác, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ, không thể đánh đồng với hạnh phúc có được của đại đa phần số đông còn lại. Có những giá trị truyền thống dần bị mai một do không được bảo tồn hoặc do không còn phù hợp với quy luật phát triển hiện đại, nhưng tôi tin giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán thì được đại đa số nhân dân ủng hộ, vì ăn tết hay không ăn tết suy cho cùng do chính từng cá nhân, gia đình quyết định, không ai ép ai được cả. Giàu hay không giàu hoàn toàn không phải do ăn tết Tây hay tết Ta, nó do chính bởi sự chuyên nghiệp, quyết tâm, trí tuệ của từng con người chúng ta, của sự minh bạch, tầm nhìn và khát vọng vươn lơn của toàn dân tộc", anh Thành cho biết.
Anh Bùi Đăng Bình, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết anh là người thường xuyên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lâu nay và anh muốn chia sẻ về tết cổ truyền của người Việt Nam từ các cách nói của tiếng Việt. Theo đó, Tết cổ truyền của người Việt Nam kéo dài 21 ngày, bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 năm trước đến ngày 10 tháng Giêng năm sau, chứng cứ là người ta có thể nói "Hôm nay (là) 20 tết" hay "Mai (là) mùng 10 tết". Thời gian trước và sau khoảng thời gian này thì tiếng Việt không thể nói thêm từ tết vào câu nói được.
"Theo dõi các ý kiến bàn luận về Tết cổ truyền Việt Nam, tôi thấy mừng vì Việt Nam đã có nhiều người biết ngẫm nghĩ về nó. Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những sự kiện văn hóa, phong tục lớn nhất, đặc sắc nhất, quy mô hoành tráng nhất của người Việt Nam trong một năm. Vì vậy, tôi cho rằng mọi người không nên tùy tiện đưa ra ý kiến bàn luận về nó, chẳng hạn bỏ, kéo dài, rút ngắn nó mà không thấu tình cũng chẳng đạt lý". 

Giảm ngày tết, tăng ngày nghỉ phép

Có rất nhiều ý kiến phản biện lại đề xuất của GS Trương Nguyện Thành, nhưng cũng có một số ý kiến ủng hộ và đưa ra thêm các giải pháp. 

Nhiều bạn trẻ đề nghị giảm ăn tết ta, tăng ngày nghỉ phép

Ngọc Thắng

Anh Công Sơn, ngụ tại Q.5, TP.HCM, hiến kế: "Muốn cho đất nước phồn thịnh, thì Chính phủ cần chỉ đạo việc nghỉ lễ, tết không kéo dài quá nhiều ngày (chỉ khoảng 3 ngày và cộng với ngày chủ nhật liền kề). Việc này nhằm tránh việc uể oải trong công việc sau những ngày nghỉ dài, chen chúc nhau khi đi lại... Tuy nhiên, để cho người dân có điều kiện về quê thăm thú thì nên tăng ngày phép hàng năm của người lao động. Như vậy sẽ hợp lý hơn. 
Anh Nguyễn Dương, một bạn trẻ tại Hà Nội thì chia sẻ: "Tôi ủng hộ tư duy tích cực, khắc phục tập quán tâm lý đám đông lạc hậu lỗi thời và chưa khoa học tiến bộ. Tết ta là sản phẩm của nền sản xuất tiểu nông kéo dài hàng ngàn năm thành tập quán đã lệch pha và không còn tương thích với đời sống sinh hoat và lao động sản xuất hiện đại, gây nhiều rối rắm, trở ngại, tạo sức cản cho phát triển kinh tế xã hội và chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ dân cư. Nó được tổ chức trong thời điểm bất lợi của thời tiết khí hậu đặc trưng của nước ta chứ không ôn đới giá lạnh ổn định như nơi khởi phát của nó".
Vì vậy, anh Dương đề nghị chỉ nên giành một đôi ngày giữ nghi lễ truyền thống, ăn tết ra còn nghỉ nhiều ngày hơn vào đầu năm dương lịch để tổng kết năm lao động sản xuất cũ và chuẩn bj khởi động năm mới đồng thời giao lưu vùng miền, đi lại thăm thân thuận lợi trong khoảng thời gian thời tiết khí hậu ổn định đặc trưng của nước ta.

Nhiều người trẻ Trung Quốc ghét tết

       
Đây là quang cảnh người dân chen chúc ở nhà ga, sân bay ở Trung Quốc để về quê đón tết hàng năm trong một clip của CNN. Theo thống kê, người dân thực hiện khoảng 3,6 tỉ chuyến đi trong dịp tết. Cho đến nay, bài viết trên mục Du lịch của CNN được xuất bản từ năm 2013 có tựa đề "Vì sao tôi sợ tết ở Trung Quốc" vẫn là bài viết thuộc dạng "kinh điển", được nhiều người đọc.
Người viết cho biết lúc nhỏ thì rất háo hức với tết cổ truyền. Nhưng khi trưởng thành, anh lại càng sợ hãi. Nó thật tệ khi bạn là người độc thân vì sẽ phải nhận đủ thứ câu hỏi ở mọi góc độ về chuyện này. Thêm vào đó là nhiều món ăn truyền thống buộc phải ăn có hương vị không hợp, nhiều món ăn quá béo, không khoa học...
Có rất nhiều người trẻ sống và làm việc ở thành phố lớn quyết định không về nhà dịp tết. khi phóng viên đặt ra câu hỏi: "Tại sao bạn không về nhà ăn tết?". Có người không muốn tiếp tục đối mặt những câu hỏi dai dẳng về đời tư từ gia đình họ hàng. Có người bận công việc. Cũng có bạn trẻ mặc cảm vì mình không kiếm được nhiều tiền hoặc chưa tìm được việc làm. Mỗi người đều tìm cho mình một lý do mà họ cho rằng hợp lý. Có bạn trẻ muốn ở lại để tránh lộn xộn, áp lực trong những ngày tết vắng vẻ, nhiều người ở lại để kiếm thêm tiền...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.