Có nên học 'để dành' chứng chỉ quốc tế?

11/03/2017 08:29 GMT+7

Những năm gần đây, các khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế xuất hiện nhiều ở VN, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thu hút nhiều sinh viên và ứng viên đăng ký theo học.

Liệu đây có phải là “giấy thông hành” trong tuyển dụng?
Có chứng chỉ vẫn bị loại
Hoàng Lan Anh tốt nghiệp ngành kế toán một trường ĐH tại TP.HCM. Ngay trong lúc thực tập tại một doanh nghiệp về bất động sản, Lan Anh thấy thời gian trống nhiều nên quyết định đăng ký theo học khóa học kế toán - kiểm toán dù học phí khá cao. Lên mạng tìm hiểu ở các diễn đàn, Lan Anh được chia sẻ nhiều thông tin như học chứng chỉ này ra sẽ được tuyển dụng vào ở các công ty lớn của nước ngoài, với mức lương hấp dẫn. Sau khi đầu tư cả trăm triệu đồng và thời gian khoảng gần 2 năm để học và thi, Lan Anh đã sở hữu chứng chỉ uy tín, có giá trị tại nhiều quốc gia này. Tuy nhiên, lần đầu tiên đi xin việc đúng ngành kế toán tại một doanh nghiệp nước ngoài, tự tin với hồ sơ “đẹp”, Lan Anh lại khá bất ngờ khi mình không vượt qua được vòng thi đánh giá năng lực.
“Họ đã tuyển dụng một ứng viên có 5 năm làm việc tại nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực kế toán, dù người đó chưa có chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế nào. Còn mình, chưa có kinh nghiệm thực tế nên đã bị “vấp” khi làm bài thi họ đưa ra. Có lẽ mình sẽ phải trải nghiệm nhiều hơn để có thể đầu quân vào một công ty lớn như vậy”, Lan Anh chia sẻ.
Giống như Lan Anh, nhiều bạn trẻ học khối ngành kinh tế đã tranh thủ đi học lấy chứng chỉ quốc tế ngay khi đang còn là sinh viên, hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ dễ dàng trúng tuyển vào các doanh nghiệp nước ngoài. Không ít trong số đó đi học cùng lúc 2, 3 chứng chỉ và tin rằng một bộ hồ sơ “đẹp” như vậy sẽ được ưu tiên tuyển dụng.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thạch, chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận: “Những chứng chỉ quốc tế về kế toán, kiểm toán, tài chính, quản trị rủi ro… rất đáng để học vì nó cung cấp những kỹ năng, nghiệp vụ chuẩn và là một lợi thế để làm việc tại các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, bạn trẻ không nên ngộ nhận rằng có chứng chỉ quốc tế là sẽ được tuyển dụng ngay. Quy trình tuyển dụng ở các doanh nghiệp nước ngoài rất khắt khe, có sơ tuyển, có các vòng thi đánh giá năng lực, phỏng vấn… Bạn có thể qua vòng sơ tuyển nếu sở hữu hồ sơ đẹp. Các vòng còn lại, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thực tế, thái độ, hiểu biết và kinh nghiệm của ứng viên”.
Xác định mục tiêu rõ ràng
Theo PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên môn lập và thẩm định dự án đầu tư, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thông thường ở các nước trên thế giới, khi bạn trẻ tốt nghiệp, đi làm thì trong quá trình làm việc, thấy thiếu hụt gì mới học bổ sung chứ không học “để dành” trong khi chưa biết chính xác công việc, vị trí của mình sau này là gì. Có kinh nghiệm thực tế thì quá trình học sẽ hiệu quả hơn. PGS Tình cho rằng nếu có điều kiện và thời gian thì đi học cũng tốt. Tuy nhiên, để tránh việc học tràn lan mà những thứ cần thiết cho chuyên môn chính thì lại thiếu hụt, sinh viên phải có định hướng công việc mình làm trong tương lai để chọn chứng chỉ phù hợp. Ví dụ học quản trị kinh doanh muốn làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thì nên học nghiệp vụ xuất nhập khẩu, ngoại thương. Làm kế toán thì học chứng chỉ kế toán, kiểm toán. Học là để bổ trợ công việc thực sự chứ không phải để làm đẹp hồ sơ”.
Ông Nguyễn Hà Tiên, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho rằng sinh viên nói riêng và bạn trẻ tốt nghiệp nói chung nên xác định mục tiêu rõ ràng về công việc trước khi quyết định học thêm một chứng chỉ nào đó để tránh việc lãng phí thời gian, tiền bạc nhưng lại không đem lại kết quả tốt. “Tôi biết rất nhiều em bị hút vào các khóa học do nghe quảng cáo hay quá. Nên đi làm trước đã, việc nhỏ, công ty nhỏ cũng được, cốt để có kinh nghiệm thực tế. Lúc đó thấy mình thiếu gì thì tranh thủ học bổ sung. Thành công đòi hỏi cả quá trình nỗ lực chứ không phải tốt nghiệp xong, có chứng chỉ là thành công ngay”, ông Tiên nhận định.
Trên thực tế, có những khóa học chỉ trong vòng 3 - 6 tháng với giá vài triệu đồng, nhưng có những khóa kéo dài vài năm với học phí hàng chục ngàn đô la. Vì thế, theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, bạn trẻ cần tính toán nguồn lực tài chính và thời gian, xác định rõ mục tiêu mình cần gì mới đi học cái đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.