Có nên đặt giáo dục trong cơ chế thị trường?

Bích Thanh
Bích Thanh
13/04/2018 17:47 GMT+7

Trên là một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà giáo quan tâm đóng góp ý kiến trong Hội thảo góp ý cho dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục diễn ra tại TP.HCM.

Sáng nay, ngày 13.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Đại biểu tham dự là đại diện các sở, ngành và cán bộ quản lý của các trường từ mầm non đến THPT tập trung vào đóng góp ý kiến về các vấn đề đang liên quan trực tiếp đến giáo viên và học sinh.

Hội phụ huynh học sinh có nên tồn tại?

Tại hội thảo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thông tin có nhận được thư đặt ra câu hỏi hội phụ huynh học sinh có nên tồn tại hay không và phải chăng giáo dục nên đặt trong cơ chế thị trường?

Bày tỏ quan điểm về cơ chế dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó phòng Giáo dục Q.Bình Thạnh nói: “Học phí mà mỗi tháng người học đóng cho nhà trường ngoài việc bù đắp chi phí sử dụng cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong nhà trường, cần dành một phần tương thích để chi trả chi phí chất xám, công sức giáo viên bỏ ra khi lên lớp. Nói cách khác, nếu xem học sinh là khách hàng thì học phí chính là chi phí người học bỏ ra để được đáp ứng các nhu cầu về chất lượng dịch vụ. Học phí cao hay thấp sẽ tương đồng với đòi hỏi về chất lượng”.

Đại biểu đóng góp ý kiến B.THANH

Đại diện Trường mầm non Thành phố đưa ra thực tế: “Về nguyên tắc tài chính, để sửa vòi nước hay bóng điện đúng thủ tục thì cần thời gian làm vài ba giấy tờ đề xuất, vậy tức thời lúc đó trẻ sinh hoạt thế nào, nhiều khi các trường phải trông chờ và phụ huynh”. Từ đó vị này đưa ra quan điểm, vai trò của hội phụ huynh là quan trọng và quan trọng hơn cả là mình thực hiện sao cho hiệu quả và văn minh chứ không nên cứ nghĩ họp phụ huynh là thu tiền sai quy định.

Giảm tải chương trình, tăng đãi ngộ giáo viên

Bàn về chương trình giáo dục, giáo sư Phạm Phụ nói rằng quá nặng nề, hàn lâm, đủ sức đào tạo ra các nhà nghiên cứu toán học, ngôn ngữ… Mà thực tế chúng ta đâu có nhiều nhà nghiên cứu, do vậy cần phải giảm tải chứ không thì áp lực dạy thêm học thêm không thể giải quyết được.

Một số nội dung luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục có tính hô hào khẩu hiệu chưa hướng đến đối tượng cần điều chỉnh. Các quy định chưa chặt chẽ, chưa làm cho người dạy muốn tận tâm, tận tụy với nghề...

Luật sư Hà Hải

Tiếp đó, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong việc quyết định thành công của chương trình giáo dục.

Bà Thúy đề xuất nên lấy kinh phí miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm, vốn đã không còn tạo được sức hút đối với học sinh lớp 12, dành cho việc đãi ngộ, hỗ trợ lương cho giáo viên để giúp các thầy, cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Ngoài ra, trước quy định sắp tới các trường học phải đóng thuế do có nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị, lãnh đạo các trường bày tỏ: “Theo quy định nhà nước, bậc tiểu học không thu học phí do đó toàn bộ chi phí sửa chữa nhỏ trong nhà trường như thay mới bóng đèn, sửa vòi nước, chăm lo đời sống giáo viên chúng tôi dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ các khoản tiền bán trú, học phí buổi 2. Nay nếu tăng thêm các quy định về thuế, đời sống giáo viên chắc chắn lại bị ảnh hưởng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.