Có một người Nhật yêu Việt Nam đến kỳ lạ!

07/11/2019 08:05 GMT+7

Có nhiều người nước ngoài yêu Việt Nam đến kỳ lạ. GS.TS Hiroki Tahara, Trường đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản là một người như vậy.

Năm 1996, anh sinh viên Hiroki Tahara tốt nghiệp Khoa Đông Dương, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, là sinh viên có số điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp, được vinh dự lên bục nhận bằng cử nhân từ tay hiệu trưởng. Và anh sinh viên rất yêu Việt Nam ấy đã mặc trang phục của dân tộc Ê đê trong hôm nhận bằng.

“Nhờ tiếng Việt mà tôi được sống đàng hoàng như hôm nay”

Chàng sinh viên trẻ tuổi lúc ấy vì tò mò với một cái tên lạ trên bản đồ mà đã gắn bó sâu sắc với buôn làng A Lê A, Buôn Ma Thuột. Người dân nơi này thương quý đến mức tổ chức lễ cúng Yàng cho Hiroki Tahara như một thành viên trong gia đình.
Những trải nghiệm thú vị về cuộc sống Việt Nam, những xúc động đến nghẹn ngào trong những chuyến đi điền dã ở vùng cao càng khiến anh sinh viên cố gắng học tiếng Việt nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho đồng bào nơi ấy. “Nhờ tiếng Việt mà tôi được sống đàng hoàng như hôm nay. Tôi phải trả ơn người Việt mới phải”.

GS.TS Hiroki Tahara (thứ hai từ trái) phiên dịch cho công chúa Nhật Bản Akishino (năm 1998)

NVCC

Sau khi tốt nghiệp đại học, với vốn liếng tiếng Việt đã vững vàng, từ năm 1996-1999, Hiroki Tahara trở thành tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phiên dịch tiếng Việt - tiếng Nhật cho nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam và Nhật Bản. Trong năm 1998, ông đã phiên dịch cho công chúa Nhật Bản Akishino và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam - Nguyễn Mạnh Cầm.
Năm 2000, TS. Hiroki Tahara bắt đầu làm việc tại Trường đại học Ritsumeikan Asia Pacific (APU), bắt nên nhịp cầu giao lưu hợp tác tốt đẹp giữa giáo dục của hai đất nước. Nhiều sinh viên của hai nước được trao đổi du học, nhiều giáo viên Việt Nam đã đi dạy tại Nhật Bản.

Mê nhạc Bolero của Việt Nam

Vị Phó giám đốc Trung tâm giáo dục ngôn ngữ, Trường đại học APU, Ủy viên Hội động Quản trị Học viện Ritsumeikan luôn coi tiếng Việt là một hành trang của sự nghiệp khoa học. Sách Nhập môn tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Học ngữ pháp tiếng Việt, Từ điển Việt Nhật (đồng tác giả) là những công trình mà cậu học viên ngày nào đã đền đáp công lao dạy dỗ của các giáo viên khoa Việt Nam học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Với vị công tử xứ Phù Tang này, tiếng Việt đã là hơi thở. Tiếng Việt dùng trong giảng dạy, tiếng Việt dùng trong các công trình nghiên cứu khoa học, trong các hội thảo quốc tế và đặc biệt tiếng Việt còn dành cho âm nhạc.

GS.TS Hiroki Tahara cùng nhạc sĩ Lam Phương

NVCC

“Tôi mê nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Bolero. Ngày nào tôi cũng nghe - lúc ngồi làm việc với máy tính, lúc lái xe trên đường, lúc căng thẳng, mệt mỏi… tôi gần như nghe mọi lúc, mọi nơi, nghe hoài mà vẫn không biết chán. Tôi không chỉ nghe CD, và nghe, xem chương trình trên mạng, mà còn dành thời gian đến tận phòng trà để thưởng thức giọng hát ngọt ngào của các ca sĩ Việt Nam mỗi khi có dịp”, GS. Tahara chia sẻ. Và gần như không dịp nào về Việt Nam, vị giáo sư mê nhạc Việt không đến phòng trà để nghe nhạc đến rất khuya, dẫu lịch làm việc cả ngày, cả tuần có căng thẳng đến thế nào.
Không phải người Việt Nam nào cũng biết rành về các ca sĩ Việt Nam, về các ca khúc trong dòng nhạc Bolero như GS. Tahara. “Trong nước, tôi thích nghe ca sĩ Hà Vân hát Bolero. Còn ở hải ngoại, tôi thích Thanh Lan, Thiên Kim, Khánh Hà, Thanh Hà. Các bài Bolero tôi thích là Nắng chiều, Kiếp nghèo, Biển tình…”,  GS. Tahara cho biết. Đặc biệt, trong danh sách các bài hát mà chỉ cần nghe vài nốt nhạc dạo đầu, GS. Tahara đã có thể nói đúng cái tên.
“Tôi mê nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Bolero. Ngày nào tôi cũng nghe - lúc ngồi làm việc với máy tính, lúc lái xe trên đường, lúc căng thẳng, mệt mỏi… tôi gần như nghe mọi lúc, mọi nơi, nghe hoài mà vẫn không biết chán. 
GS. TS Hiroki Tahara             
Từ mê âm nhạc, GS. Tahara dấn vào các hoạt động âm nhạc Việt Nam. Từ năm 2014 cho đến nay ông có nhiều cuộc gặp gỡ với các ca sĩ Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia trong MV "Người tình mùa đông" của ca sĩ Hà Vân, có 3 tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương đã được GS. Tahara dịch sang tiếng Nhật, cùng với nhiều hoạt động âm nhạc khác đang ấp ủ…
Tất cả mọi hoạt động của GS. TS Hiroki Tahara đều xuất phát từ tình yêu dành cho tiếng Việt, dành cho Việt Nam.
Phải nhìn thấy vị giáo sư Nhật Bản lém lỉnh dùng từ láy, dùng cách chơi chữ trong tiếng Việt đối đáp vui với mọi người, thành thạo sử dụng các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, sẵn sàng trò chuyện, phân tích rất sâu sắc bất cứ đề tài gì về lịch sử, chính trị, văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt, thậm chí còn thông thạo các phương ngữ…; phải nghe giáo sư say sưa hát các bài hát Việt Nam; háo hức thăm thú, khám phá các vùng miền Việt Nam; xuýt xoa với các món đặc sản Việt Nam… mới thấy tình yêu dành cho Việt Nam của vị giáo sư Nhật Bản này lớn đến thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.