Cô giáo làm nghề ‘đồng nát’

22/12/2015 13:11 GMT+7

Hơn 2 năm nay, chị Vương Thị Thùy (34 tuổi) giáo viên Trường tiểu học Viên Sơn (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), vừa làm giáo viên vừa đi lượm ve chai để có tiền nuôi con và chăm lo cho chồng bị ung thư giai đoạn cuối.

Hơn 2 năm nay, chị Vương Thị Thùy (34 tuổi) giáo viên Trường tiểu học Viên Sơn (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), vừa làm giáo viên vừa đi lượm ve chai để có tiền nuôi con và chăm lo cho chồng bị ung thư giai đoạn cuối.

Chị Thùy bên những món đồ đồng nát mới thu mua được - Ảnh: Trần HồChị Thùy bên những món đồ đồng nát mới thu mua được - Ảnh: Trần Hồ
Về thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ai cũng xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của chị Thùy. Khuôn mặt hốc hác, rám nắng của chị, khiến nhiều người nhầm tưởng chị không phải là một cô giáo ngày ngày chỉ đứng trên bục giảng. 
Chị kể: “Năm 2012, trong một lần chồng tôi thấy đau bụng nên đi khám, lúc đầu thì bác sĩ chẩn đoán là rối ruột, nên chỉ mổ, sắp xếp lại là được. Nhưng không ai ngờ, sau đó bác sĩ nói chồng tôi có một khối u nằm ở đại tràng và được xác định là ung thư giai đoạn cuối. Mọi thứ với hai vợ chồng tôi như sụp đổ, một cú sốc quá lớn trong cuộc đời tôi”.
Để điều trị bệnh cho chồng, chị phải bán nhà, bán đất ở mặt đường và những thứ có thể, nhưng cũng không đủ, phải vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng. 
“Nhiều lúc hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc, anh khóc không chỉ vì đau đớn mà khóc cho tôi, cho các con. Tôi phải nói để anh có thêm động lực: “Anh đừng chết trước em, nếu anh chết em không biết làm gì, không có nghị lực để nuôi các con”, chị Thùy nghẹn ngào tâm sự.
Trước khi anh Mạnh chồng chị lâm bệnh, kinh tế gia đình chị cũng có “của ăn của để”. Chị làm giáo viên, chồng chị vừa làm giáo viên cấp 2, vừa làm họa sỹ thiết kế cho công ty mành rèm nên thu nhập ổn định. Nhưng căn bệnh nan y đã cướp đi cuộc sống yên ổn của gia đình chị, mọi dự định, mọi ước mơ của hai vợ chồng bỗng nhiên vụt tắt.
Khóc nhiều cũng cạn nước mắt, chị tự nhủ với bản thân, phải làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng, vừa phải nuôi hai đứa con thơ dại (cháu lớn 9 tuổi, cháu bé 4 tuổi). Vì là giáo viên môn mỹ thuật nên chị cũng không có cơ hội dạy thêm, và công việc đồng nát trở thành nghề tay trái của chị.
Nhọc nhằn mưu sinh
Chị Thùy tâm sự: “Tôi còn trẻ, còn khỏe, 2 đứa con còn nhỏ, phải được ăn học, không thể phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của tôi. Khi quyết định đi làm thêm, gia đình, chồng con, anh em… phản đối quyết liệt, nhưng tôi vẫn đi và cũng không bao giờ mặc cảm khi được gọi là “giáo viên đồng nát”. Với tôi nghề nào cũng là nghề, cũng phải bỏ công sức, mồ hôi và nước mắt. Tôi cũng làm cả công nhân, ô sin… nếu có người gọi là đi, ai gọi việc gì làm việc đấy!”.
Hằng ngày, sau những buổi lên lớp, chị lại rong ruổi khắp nơi để thu mua đồng nát, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm thêm được chưa đến một trăm ngàn. 
“Tuy không được bao nhiêu, nhưng mỗi tháng cũng “bòn mót” được 500 - 1 triệu đồng từ đồng nát. Nếu may mắn có người gọi đi lau nhà, dọn nhà, thì cũng có thêm tiền mua thêm mớ rau, hộp sữa cho con hay là tích cóp để mua thuốc cho anh Mạnh”, chị chia sẻ.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…sau này biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, đã tích cóp những đồ không dùng rồi gọi chị đến lấy. Nhiều người có lòng hảo tâm đã quyên góp, hỗ trợ cho chị và các con từ quần áo đến các vật dụng gia đình.
Cũng không muốn đầu hàng số phận, chia sẻ gánh nặng cùng chị, anh Mạnh vẫn đi làm và sau 13 năm từ khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm nghệ thuật Hà Nội, anh bắt đầu vẽ tranh để thực hiện ước mơ của mình. 
Chị Thùy ngậm ngùi chia sẻ: “Hy vọng anh Mạnh có đủ sức khỏe để mở được một phòng tranh triển lãm…”
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Đào Kim Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học cơ sở Viên Sơn, nơi chị Thùy công tác cho biết: "Cô Thùy là người có chuyên môn và đạo đức tốt, được phụ huynh, học sinh tin yêu. Vì cô dạy môn mỹ thuật nên cũng không thể đi dạy thêm, phụ đạo và có trợ cấp khác. Để có thêm thu nhập, cô phải đi làm đồng nát, ô sin...nhưng cô có một nghị lực vươn lên, không mặc cảm, không sợ mọi dị nghị. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện, sắp xếp thời gian để cô có thể đi làm thêm và liên hệ với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, cũng như giáo viên nhà trường để đóng góp, ủng hộ vật chất cho cô trong lúc khó khăn. Hiện tại, mỗi tháng nhà trường hỗ trợ cho 2 con cô Thùy là 500 nghìn đồng."
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.