Cô giáo 12 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo

19/07/2017 12:39 GMT+7

Tình cờ gặp một trẻ em cơ nhỡ không biết chữ, cô Nương quyết định dạy cho em. Đến nay đã hơn 12 năm trôi qua, cô vẫn cần mẫn ngày ngày giúp nhiều trẻ em biết đọc, biết viết.

Cô Nương kể trước đây cô từng học đại học năm 1 ngành Luật, nhưng vì ba bệnh nặng và hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên cô nghỉ học về chăm sóc ba. “Hằng ngày, tôi chứng kiến nhiều trẻ em bán vé số hoặc làm mướn kiếm sống, đa số đều không biết chữ cũng không rành tính toán. Sợ các cháu thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa nên tôi mở lớp học tình thương để các cháu biết đọc biết viết, có thể tự lập và tự bảo vệ bản thân”, cô Nương nói.

tin liên quan

Nhiều nhầm lẫn khi điều chỉnh nguyện vọng
Qua 4 ngày thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, không ít phụ huynh và thí sinh bị nhầm lẫn dẫn đến sai sót trong quy trình này, đưa đến nguy cơ không trúng tuyển đúng nguyện vọng.
Từ suy nghĩ đó, năm 2005, lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Nương ra đời. Lớp nằm trong Nhà thờ Công giáo Ô Môn (Phường Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) với hơn 15 học sinh là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Nương chỉ dạy các em học tập

Theo cô Nương, gia cảnh mỗi em mỗi khác, có em côi cút, có em từ tờ mờ sáng phải rong ruổi khắp nẻo đường bán vé số… nên việc các em đến lớp đầy đủ là chuyện không dễ dàng. Những ngày đầu, cô phải đến từng gia đình các em vận động, phân tích cho phụ huynh hiểu, rồi đích thân cô dùng tiền cá nhân hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tập sách, dụng cụ học tập; các linh mục nhà thờ hỗ trợ xây 1 phòng học, nhằm tạo điều kiện cho các em học tập tốt.
Sự nhiệt tình của cô Nương làm nhiều phụ huynh xúc động, hết lòng ủng hộ con em đến lớp học. Từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, học sinh lớp học tình thương bắt đầu học từ 7 giờ 15 phút đến 9 giờ.
Bạn Ngô Thị Ngọc Nho giúp cô Nương dạy chữ cho các em

Các em được cô Nương dạy 2 môn chính là tiếng Việt và Toán; hoặc lồng ghép giáo dục đạo đức và giảng dạy tiếng Anh giao tiếp. Các em đến lớp còn được cô tổ chức cho ăn sáng, khi thì bánh mì, lúc thì tô bún… để các em vững bụng khi vào lớp.
Nhờ sự chỉ bảo của cô, đã có hàng chục thiếu nhi biết đọc, viết chữ và được giới thiệu vào trường công để tiếp tục học tập. Em Danh Thị RiNa, đã tham gia lớp học được nhiều năm qua kể: gia cảnh em rất khó khăn, cha mẹ chia tay rồi ai cũng có người khác, sau đó qua sống ở Campuchia, riêng RiNa sống cùng ông bà ngoại ở Phường Châu Văn Liêm. Ông ngoại hằng ngày đi câu kiếm sống, gia cảnh như thế nên em không có điều kiện đến trường.
Cô Nương phát quà ăn sáng cho trẻ em nghèo tham gia lớp học.

Từ khi được tham gia học tại lớp học tình thương, RiNa học rất tốt. “Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo dạy Văn và sẽ cùng cô dạy chữ cho trẻ em nghèo”, RiNa nói.
Còn em Nguyễn Thị Kim Nguyên (ngụ Phường Châu Văn Liêm) kể em ở với ông bà. Hằng ngày ông bà đi bán vé số nuôi em. Tuy nhiên gần đây, ông bà lớn tuổi ông bị bệnh phải nằm một chỗ, bà thì nay ốm mai đau không bán được, gia đình sống nhờ sự tương trợ của hàng xóm và chính quyền địa phương. “Em cố gắng học giỏi để biết chữ rồi kiếm việc làm để còn nuôi ông bà”, Nguyên tâm sự.
Thời gian qua, thấy được việc làm đầy ý nghĩa của cô Nương, nhiều mạnh thường quân, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ khi rảnh rỗi đã dành nhiều thời gian giúp cô Nương dạy chữ cho các em. Bạn Ngô Thị Ngọc Nho (học sinh lớp 11 Trường THPT Lương Định Của, Quận Ô Môn) cho biết do thấy việc làm của cô có ý nghĩa nên hè em thường đến đây để giúp cô dạy học. “Từ việc làm của cô cho em thấy được ý nghĩa của nghề giáo, phụ với cô cũng là cách để em rèn luyện kỹ năng để sau này nếu có điều kiện em sẽ thi đại học sư phạm”, Ngọc Nho cho biết.
Phần ăn sáng tuy nhỏ nhưng giúp các em no lòng khi lên lớp

Thấu hiểu hoàn cảnh của các em, hằng năm, vào dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương đều quan tâm hỗ trợ tặng nhiều phần quà; em nào học khá được giới thiệu vào trường công tiếp tục học tập.
Anh Nguyễn Mai Độ, Bí thư Phường đoàn Châu Văn Liêm, cho biết việc làm của cô Nương rất có ích cho xã hội. Không chỉ giúp các em biết đọc, biết viết, làm toán mà còn dạy các em lễ nghĩa, cách sống ở đời, kính trên nhường dưới. “Những kiến thức xã hội quý báo đó giúp các em có điều kiện tìm việc làm và sống có ích cho cộng đồng. Chúng tôi thường xuyên liên kết với các mạnh thường quân hỗ trợ lớp như tập, viết, quà bánh và gạo cho các em”, anh Độ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.