Cố ghép hai kỳ thi làm một: Người học sẽ chịu hậu quả!

27/06/2018 06:45 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, với một kỳ thi mục tiêu chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì liệu có cần ra đề có những câu hỏi quá khó, tạo nên nhiều lo lắng?

Vì thế, một kỳ thi hai mục đích lại tiếp tục khiến dư luận lo ngại về tính khả thi thực sự của nó.
[VIDEO] Những giấc trưa không trọn vẹn ở trường thi
Trường ĐH chọn được thí sinh phù hợp

PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cho rằng kỳ thi với 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH hiện nay đang được vận hành ngày càng tốt hơn, ngay cả về đề thi. Đúng là yêu cầu tuyển sinh của mỗi trường ĐH là khác nhau, nhưng quan trọng là phải có một thước đo khả dĩ để đo năng lực của những thí sinh (TS) muốn đăng ký xét tuyển vào trường, cho nên việc có một kỳ thi cấp quốc gia là rất thuận lợi cho các trường ĐH. Nó giúp các trường ĐH giảm được gánh nặng phải có một kỳ thi riêng, trong khi đó không phải trường nào cũng có yêu cầu quá cao hoặc quá khác biệt về đầu vào.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc), nhìn nhận với đề thi năm nay, các trường ĐH dễ dàng hơn trong việc lựa chọn TS phù hợp với mức độ yêu cầu của trường mình.
[VIDEO] Đã có 2 cháu ngoại vẫn quyết chí thi THPT Quốc gia
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng đề khó chưa chắc đã phân hóa tốt. Theo ông Tuấn, hiện tại vẫn nên duy trì một kỳ thi THPT quốc gia như đang làm, dù tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao, mà các trường ĐH có yêu cầu cao chưa chắc đã tuyển chính xác hoàn toàn đối tượng mình mong muốn.
[VIDEO] CSGT tặng áo mưa cho thí sinh thi THPT Quốc gia
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nêu ý kiến: “Bộ GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu đề thi sẽ dành tỷ trọng 60% câu hỏi dễ cho việc xét tốt nghiệp, 40% cho việc xét tuyển ĐH. Năm ngoái cũng đặt ra mục tiêu này, nhưng thực tế chưa đạt được như mong muốn nên đề thi năm nay có khó hơn thì cũng phù hợp với mục tiêu đặt ra ban đầu. Đề năm nay bị "kêu" là khó, nhưng so với các đề thi tuyển sinh ĐH trước đây thì có thấm vào đâu! Nói khó là bởi chỉ nghĩ tới mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng nên nhớ đây là kỳ thi hai mục tiêu”.
Năm nay, phần lớn các thí sinh đều khó làm tốt trọn vẹn đề thi THPT quốc gia Ảnh: Ngọc Dương
Rất khó đáp ứng cả hai mục tiêu
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của việc ra đề thi, nhưng ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Sáng Sơn (Vĩnh Phúc), cũng thừa nhận việc ra được một đề thi thỏa mãn 2 mục tiêu là rất khó. Theo ông Dương Văn Bản, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nếu có thể được, việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh có thể ủy quyền cho các sở GD-ĐT. Còn việc tổ chức thi để tuyển sinh ĐH thì do Bộ GD-ĐT định hình.

Việc ra một đề thi làm sao để cho học sinh học lực trung bình đạt điểm trung bình, vừa đảm bảo tính phân loại cao nhằm thỏa mãn nhu cầu xét tuyển ĐH từ trường tốp cao đến trung bình là cực khó. Cho nên theo ông Bản, kỳ thi để xét tốt nghiệp có thể ủy quyền cho các sở GD-ĐT, hoặc là thi, hoặc là xét. Còn việc tuyển sinh vào ĐH như thế nào thì Bộ GD-ĐT với các trường tính toán.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cũng cho rằng dù có khả năng phân hóa tốt hơn bởi nhiều câu hỏi nhưng với một dung lượng, thời lượng dành cho một kỳ thi, một bài thi thì rất khó để có thể đáp ứng được những yêu cầu mang tính chất vừa đại trà, đánh giá năng lực ở mức thấp, vừa tuyển lựa một số lượng tương đối nhỏ học sinh để vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập về lĩnh vực khảo thí, phân tích: “Về bản chất, kỳ thi không nhằm so sánh năng lực hay kiến thức của các TS với nhau mà chỉ đánh giá TS có đạt hay không đạt một ngưỡng chuẩn. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH với mục đích đánh giá sự khác biệt về năng lực, kiến thức của TS để tuyển chọn sinh viên đầu vào các trường ĐH. Do tính chất và mục đích của 2 kỳ thi rất khác nhau, không nên ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH vào làm một bài thi”.
Theo bà Quyên, nếu cố khiên cưỡng thì sẽ có rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như rất khó có thể kiểm soát được độ khó của đề thi để đảm bảo cả hai mục đích. Thực tế đề năm ngoái quá dễ, còn năm nay là quá khó. Mức độ phân loại của đề thi cũng khó được đảm bảo. “Chừng nào Bộ GD-ĐT còn cố ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH, thì người hứng chịu hậu quả là người học”, bà Quyên nhận định.
Bản chất của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã phát biểu: "Chúng ta vẫn nói là đáp ứng 2 yêu cầu nhưng tôi cho rằng thi THPT là để công nhận tốt nghiệp của các em sau 12 năm học; chuyện tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH, tùy theo yêu cầu, theo đặc thù của mình mà có cách tuyển phù hợp. Chúng ta lấy kết quả thi phổ thông rồi “đắp” vào ĐH thì sẽ khó vì thi phổ thông là để đánh giá đa số. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH là tuyển những em có năng lực phù hợp với từng ngành nghề. Tự chủ ĐH có liên quan việc tự chủ tuyển sinh là như vậy".
GS Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh, vẫn cần coi đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiệm vụ chính vẫn là để xét công nhận tốt nghiệp sau 12 năm học của học sinh và chỉ đặt ra yêu cầu đánh giá năng lực ở mức trung bình. Những trường ĐH không có yêu cầu đặc biệt vẫn dùng nó để xét tuyển ĐH. Mục tiêu, yêu cầu khác nhau mà lại đo bằng một thước chung thì rất khó.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng lo ngại: nếu đề thi lạc vào hướng tăng độ khó thì nhân dân sẽ có ý kiến, sẽ lo ngại vì họ là đại diện số đông. Hy vọng Bộ thay đổi có chừng mực để kết quả của kỳ thi đúng là kỳ thi THPT quốc gia, phổ thông, cơ bản chứ không lạc vào phân hóa quá khiến cho kỳ thi này trở thành kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Ý KIẾN
Chỉ là giải pháp trước mắt
“Kỳ thi 2 trong 1 này đồng thời phải đạt 2 mục đích: kiểm tra đánh giá trình độ căn bản của TS để xét tốt nghiệp nhưng phải có độ khó nhất định để xét tuyển ĐH. Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Vì vậy, các trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển TS cũng chỉ là giải pháp ở giai đoạn trước mắt. Về lâu dài, các trường cần phải tính tới việc tổ chức thêm kỳ thi riêng để có kết quả xét tuyển TS phù hợp hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Giúp học sinh đánh giá đúng mình
“Thành công của bộ phận ra đề năm nay giúp học sinh đang học lớp 11 cố gắng hơn và cũng giúp học sinh và cả phụ huynh nhìn nhận đúng thực lực của con em mình. Năm ngoái do đề dễ, điểm cao khiến nhiều học sinh bị rớt oan vì nghĩ mình giỏi đăng ký vào các trường khó. Tuy nhiên, độ khó cần theo hướng đòi hỏi học sinh tư duy và sáng tạo. Nếu khó theo kiểu đánh đố, phải dùng mẹo để giải thì sẽ quay lại thời xưa khiến các em phải chui vào các lò luyện thi sẽ không tốt”.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Quan trọng ở sự phân hóa của đề thi
“Đề thi như thế nào thì việc xét tốt nghiệp cũng không quá khó vì còn 50% điểm được xét từ lớp 12. Nhưng về nguyên tắc xét tuyển vào ĐH, nếu như phổ điểm của TS “dồn cục” quá nhiều về một mức điểm thì việc xét tuyển sẽ khó khăn hơn. Điều quan trọng không phải ở đề thi khó hay dễ mà ở việc đề thi đó có phân hóa tốt học sinh hay không. Nếu phân hóa tốt thì các trường sẽ càng dễ dàng hơn trong việc chọn lựa TS vào trường”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Trường ĐH dễ xác định điểm chuẩn
“Đề thi không phân hóa được TS thì mới nguy hiểm, phân hóa được là tốt. Chưa kể năm nay quy định tính điểm theo 2 chữ số thập phân thì các trường cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tính toán điểm chuẩn”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Ban ra đề hãy quên mục tiêu tuyển ĐH
“Ban ra đề thi nên tính toán đề thi phục vụ mục tiêu chủ yếu xét tốt nghiệp. Còn việc xét tuyển ĐH, các trường sẽ chủ động, lấy điểm thi tốt nghiệp THPT hay có kỳ thi riêng. Ban ra đề phải quên việc xét tuyển ĐH đi vì đó là chuyện của các trường”.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Hà Ánh - Đăng Nguyên (ghi)
 
Trường ĐH tốp đầu nên có thêm một vòng tuyển sinh
Phụ huynh âu lo trông chờ con em bên ngoài phòng thi Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giải pháp đặt ra, theo các chuyên gia là các trường ĐH tốp đầu cần một kỳ thi riêng, còn kỳ thi THPT quốc gia chỉ là “vòng sơ tuyển”.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, nêu giải pháp: Một số trường ĐH, ngành học cần tuyển lựa những học sinh đáp ứng yêu cầu cao thì phương án tốt nhất là nên có 2 vòng. Vòng thứ nhất là vòng sơ tuyển, cũng là vòng để xét tốt nghiệp. Sau đó có một vòng để đánh giá năng lực chuyên biệt. Vòng thứ 2 này mỗi trường ĐH, mỗi ngành đào tạo đặc thù sẽ đánh giá sâu hơn về năng lực chuyên biệt mà trường mình, ngành mình cần tuyển. Khi đó sẽ chọn được sinh viên phù hợp mà không dồn áp lực cho một đề thi.
Tất cả với những trường ĐH mang tính đại chúng vẫn có thể lấy kết quả của vòng sơ tuyển để xét tuyển sinh đầu vào, thậm chí hiện nay có những trường chỉ lấy kết quả học tập trong 3 năm học THPT mà không cần thi tuyển. Còn những trường đặc thù, trường tốp đầu thì nên tuyển sinh bằng kết quả của vòng thứ hai.
GS Thi cho rằng, việc tuyển sinh vòng 2 như vậy là hoàn toàn khả thi vì số lượng trường ĐH có nhu cầu này trên thực tế là không nhiều. TS dự thi cũng không cao, theo GS Thi, chỉ khoảng 10 - 15% vì học sinh còn phải căn cứ vào khả năng của mình thì mới dự thi vào những trường tốp đầu.
Làm như vậy, theo GS Thi, sẽ không dồn gánh nặng quá lớn vào một đề thi THPT như hiện nay, vừa không ép TS chỉ có một lần thi và phải dùng kết quả của kỳ thi chung ấy để xét tuyển luôn vào ĐH.
Trong khi đó, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Nhiều trường tốp trên cũng đã tính đến việc này, nhất là sau khi có dấu hiệu cho thấy giữa kết quả thi của TS không thực sự tương xứng với kết quả học ĐH. Chẳng hạn, có một trường kỹ thuật đã thực hiện khảo sát với những TS mà điểm đầu vào toàn tầm 27 - 28, kết quả khảo sát cho thấy điểm thực chỉ ở mức 18 - 19 điểm”.
Tuy nhiên, ông Tớp cho rằng kỳ thi THPT quốc gia là thước đo khả dĩ nhất, dễ chấp nhận nhất. Vì thế mà kỳ thi vẫn được các trường ĐH ủng hộ. Mặc dù vậy, PGS Tớp cũng thừa nhận, kết quả kỳ thi không phù hợp tuyệt đối với yêu cầu đầu vào của một số trường.
Tuệ Nguyễn - Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.