Có 3 bằng đại học, vẫn học thạc sĩ ở tuổi gần 60

Hà Ánh
Hà Ánh
08/01/2021 18:03 GMT+7

Ở độ tuổi gần 60, bà Thái Bửu Ngọc (TP.HCM) mới bắt đầu hành trình chinh phục tấm bằng thạc sĩ tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm TP.HCM.

Học chung trường với con

Sáng 8.1, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức lễ khai giảng đào tạo sau ĐH và trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, trong số các thí sinh trúng tuyển cao học khóa K31 đợt này, có học viên Thái Bửu Ngọc - học viên lớn tuổi nhất (gần 60 tuổi) khi bắt đầu chương trình cao học tâm lý học (niên khóa 2020-2022).
Trước đó, bà Ngọc đã sở hữu 3 tấm bằng ĐH các chuyên ngành khác nhau. Năm 1997, bà tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Những năm đầu sau tốt nghiệp, bà công tác tại Công ty CP dịch vụ Du lịch Phú Thọ (đơn vị thành viên của Saigontourist). Trong vai trò phụ trách công tác nhân sự và công đoàn, bà Ngọc đã dành khoảng thời gian suốt 4 năm vừa làm vừa học lấy bằng cử nhân xã hội học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Tân học viên cao học Thái Bửu Ngọc trong lễ khai giảng sáng nay 8.1

Hà Ánh

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong thời gian này bà tiếp tục nỗ lực lấy thêm một bằng ĐH khác tại Trường ĐH Công đoàn. “Ở thời điểm đó, tôi vừa làm vừa học và học những gì mình thấy cần thiết phục vụ trực tiếp cho công việc chuyên môn. Đi làm, thấy cần gì thì học thêm thứ đó mà chưa nghĩ đến việc học cao hơn”, bà Ngọc chia sẻ.
Công việc tiếp tục thay đổi, những năm sau trước khi về hưu, bà Ngọc chuyển sang giữ vị trí phó giám đốc quản lý 2 nhà hàng khách sạn trong cùng hệ thống SaigonTourist. Trong thời gian này, bà được mời tham gia thỉnh giảng cho một số trường ĐH, CĐ và TC tại TP.HCM. Đến thời điểm này, bà đã có 12 năm tham gia công việc giảng dạy, trong đó khoảng thời gian tập trung hoàn toàn cho hoạt động dạy học chính thức từ năm 2016 - khi nghỉ việc ở công ty.
Chia sẻ về kỳ thi đầu vào cao học, bà cho biết bản thân có lợi thế đầu vào ngoại ngữ nhờ bằng cử nhân ngôn ngữ Trung Quốc. Với nền tảng ĐH ngành xã hội học, quá trình học chuyển đổi qua tâm lý học cũng khá thuận lợi. “Việc bắt đầu đi học ở thời điểm này phải công nhận không dễ dàng. Trong đó, khó nhất là yếu tố thời gian khi vừa phải sắp xếp việc học và việc dạy cùng lúc ở nhiều trường”, tân học viên cao học cho biết.
Điều khá thú vị còn ở chỗ, con gái út bà Ngọc hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành quản lý giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. “Thỉnh thoảng hết giờ học, hai mẹ con đợi nhau cùng về nhà”, bà Ngọc kể với niềm tự hào.

‘Mình là người rất thích học’

Chia sẻ việc bắt đầu đi học thạc sĩ khi gần 60 tuổi, bà Ngọc cho biết có những lý do khác nhau. Bà nói: “Mình đang đứng trên bục giảng, nhiều môn mình dạy liên quan đến tâm lý và bản thân mình cũng cần nắm tâm lý người học để giảng dạy tốt hơn”.
Nhưng nguyên nhân quan trọng không kém, cũng giống những lần học trước, việc học hữu ích cho công việc giảng dạy hiện tại. “Việc được trường ĐH mời thỉnh giảng có thể là do mình có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tích lũy từ thực tiễn làm việc. Nhưng việc đứng trên bục giảng khi chưa có học vị thạc sĩ thì mình vẫn tâm niệm còn nợ trường ĐH một tấm bằng ở trình độ cao hơn”, bà Ngọc bày tỏ.
Đặc biệt, bà Ngọc là người rất thích học. Bà nói: “Mình rất thích học, quan điểm của mình là học suốt đời và không cho phép mình lạc hậu. Khi đi học và đi làm, cảm giác dù lớn tuổi nhưng vẫn hữu ích cho xã hội. Cảm giác đó sướng lắm”.
Nhắn nhủ với người trẻ, tân học viên cao học chia sẻ: “Mỗi người có một hoàn cảnh sinh ra khác nhau nhưng phải luôn xây dựng cho mình ước mơ hoài bão và theo đuổi đến cùng nghề nghiệp mong muốn. Quan trọng nhất là đừng bao giờ bỏ học, phải học trong mọi hoàn cảnh và thời điểm để có tri thức vận dụng vào thực tiễn công việc và đời sống của mình”.
Từng trải qua nhiều công việc bản thân yêu thích, bà Ngọc quan niệm: “Con người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi được làm đúng công việc mình yêu thích”. Với bà việc học và công việc không có rào cản tuổi tác. Dự định cho một tương lai, tân học viên cao học mong muốn được trở thành người tham vấn tâm lý cho người trẻ khi đã chính thức trở thành một thạc sĩ tâm lý học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.