Chương trình tập trung phần đọc, viết

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
11/09/2018 09:09 GMT+7

Nhiều vấn đề đặt ra về việc dạy và học tiếng Việt trong trường phổ thông, đặc biệt với học sinh tiểu học tại buổi đối thoại 'Tiếng Việt công nghệ giáo dục - Tranh cãi vì đâu?' vào ngày 10.9 do Báo Thanh Niên tổ chức tại các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.

Theo PGS Hoàng Dũng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng ta tạm chấp nhận là cần đánh vần. Ông Dũng phân tích: Ngày xưa, các thầy cô dạy ông đánh vần là bê a ba, sau đó trẻ em học đánh vần bờ a ba. Cách đánh vần trong chương trình của GS Hồ Ngọc Đại cũng như chương trình hiện nay không khác nhau lắm. Ở đây có chuyện là 1 âm có 2 cách gọi. Một là gọi theo tên (ví dụ b là bê), hai là gọi theo âm thể hiện (b là bờ). Cả hai cách đều cần. Khi cần gọi tên viết bằng con chữ thì đọc theo tên con chữ, lúc khác thì sử dụng âm để đánh vần, vì đánh vần được coi là một thao tác ngữ âm.

Nhà giáo Ưu tú Trần Chút, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, cho biết ngày xưa ông học chữ bằng cách đồ theo tên mình, sau đó học tên bạn, từ đó học chữ. Xác định cần thiết học đánh vần hay không là rất quan trọng.
Thạc sĩ Dương Thị Diên Hồng, Khoa Giáo dục phổ thông, Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh, từng nhiều năm dạy Trường thực nghiệm Tây Ninh, cho biết con đường học tập của trẻ đi từ cụ thể đến trừu tượng. Việc đánh vần cần thiết vì đi từ âm vị, nhận rõ mặt của chữ, âm. Khi hoàn thiện âm tiết rồi, buông ra không cần đánh vần nữa. Như vậy, có nhiều cách đánh vần thì rất bình thường và kiểu nào thì mỗi nhà ngôn ngữ có thể soạn sách cho trẻ mà mình nghĩ tốt nhất.
Theo thạc sĩ Diên Hồng, học sinh theo phương pháp này đọc nhanh hơn, to hơn, rõ hơn. Thậm chí ở lớp 6, những em học thực nghiệm học tốt hơn chương trình bình thường.
GS Hoàng Dũng cho rằng một trong những thành công trong sách của GS Hồ Ngọc Đại mà ông tin hơn sách hiện nay là sách lớp 1 tập trung rất nhiều vào phần đọc, viết. Còn những khâu khác, các lớp sau sẽ tăng lên. Nhưng năm lớp 1 phải tập trung vào đó. Tuy nhiên, để đánh giá chương trình tốt hay không phải ở nhiều mặt: Cách triển khai tốt không, thời lượng thế nào, ngữ liệu đưa vào tốt hay không? Nếu chỉ từ chuyện đánh vần, rồi quy hết toàn bộ cái tốt cho sách này, sách kia thì không đúng. Đánh vần chỉ một phần nhỏ.
Ông cũng cho rằng sắp tới, trong chương trình mới đặt ra đích là học xong lớp 1 đọc được với tốc độ bao nhiêu chữ/phút. Giáo viên theo cách này hay kia thì tùy, miễn sao đạt đến đích này.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết cuốn tiếng Việt 1 - CNGD đưa ra một giải pháp sư phạm để đi tới mục tiêu là làm sao cho học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết. Đó là mục tiêu mà bất kỳ bộ sách giáo khoa hay tài liệu nào dùng để dạy tiếng Việt cho HS lớp 1 cũng đều phải hướng tới, nhưng cách tiếp cận khác nhau sẽ cho ra các giải pháp sư phạm khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.