Chương trình giáo dục phổ thông mới - Kỳ 2: Thay đổi cả quá trình dạy học

07/08/2015 07:38 GMT+7

Ông Nguyễn Vinh Hiển , Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về một số giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về một số giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

Ông Nguyễn Vinh Hiển
       Ông Nguyễn Vinh Hiển
* Từ biết cái gì chuyển sang làm được gì và làm như thế nào ?
- Một trong những thay đổi quan trọng trong chương trình (CT) mới là chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang hướng phát triển năng lực. Thế nào là dạy học theo hướng phát triển năng lực, thưa ông?
Từ trước tới nay, kể cả CT hiện hành, về cơ bản vẫn là tiếp cận nội dung. CT thường nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực/môn học nào đó cần dạy và học. Tức là tập trung xác định và trả lời câu hỏi chúng ta muốn học sinh (HS) biết cái gì, nên thường quan tâm nhiều đến khối lượng kiến thức, ít chú ý đến dạy cách học...
Chúng ta sẽ chuyển sang cách tiếp cận năng lực, đó là cách HS sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập. Cách này ngoài việc đòi hỏi HS nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản, còn chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống.
Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận mục tiêu như vậy sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các thành phần khác của quá trình dạy học phải thay đổi: nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, thi và đánh giá… nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.
Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2018 - 2019: lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Năm học 2019 - 2020: lớp 2, lớp 7 và lớp 11. Năm học 2020 - 2021: lớp 3, lớp 8 và lớp 12. Năm học 2021 - 2022: lớp 4, lớp 9. Năm học 2022 - 2023: lớp 5.
* CT mới tăng cường dạy học tích hợp và có một số môn học tích hợp rất mới so với CT hiện hành, vấn đề đặt ra là Bộ đã có giải pháp ra sao trong việc chuẩn bị về xây dựng CT, SGK, đội ngũ giáo viên và tổ chức dạy học các môn học tích hợp?
- Ở tiểu học, nội dung các môn học hiện nay cơ bản đã tích hợp, yêu cầu không thay đổi nhiều. Đối với THCS, ngoài việc tăng cường tích hợp nội dung trong từng môn học, sẽ xuất hiện 2 môn tích hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nội dung mỗi môn sẽ được thiết kế gồm kiến thức thuộc từng phân môn: vật lý, hóa học, sinh học (môn khoa học tự nhiên) và lịch sử, địa lý (môn khoa học xã hội) đồng thời có các chuyên đề kiến thức liên phân môn. Ví dụ chủ đề về năng lượng (môn khoa học tự nhiên) hay chủ đề về biển đảo (môn khoa học xã hội). Nhà trường lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy từng phân môn hoặc chuyên đề cụ thể. Hiện nay đã có một số giáo viên dạy được toàn bộ các nội dung của môn học tích hợp, trong tương lai gần tất cả giáo viên đều có được khả năng này.
Các biện pháp hỗ trợ giáo viên mà Bộ đang và sẽ thực hiện là bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan. Nội dung giáo dục và phương án tích hợp về cơ bản không yêu cầu thay đổi số lượng giáo viên hiện có.
Trường tự quyết định số môn học tự chọn
* Việc dạy các chuyên đề tự chọn nhằm tăng cường phân hóa theo sở trường, năng lực của HS ở cấp THPT liệu có khả quan không khi mà điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất của các trường còn hạn chế và rất khác nhau?
- Việc này sẽ thực hiện ở tất cả các trường nhưng phải có lộ trình thích hợp riêng phù hợp với điều kiện cụ thể qua các năm của mỗi trường. Nhà trường có trách nhiệm tập hợp đăng ký nguyện vọng của HS, xem xét khả năng đáp ứng (về người dạy, phòng học…) của trường. Hiệu trưởng có thể sử dụng phần mềm quản lý dạy học tự chọn (do Bộ hướng dẫn) để xếp HS cùng nguyện vọng thành từng lớp và phân công người dạy (là giáo viên của trường hoặc thỉnh giảng, kể cả người dạy từ các cơ sở dạy nghề, các trường CĐ, ĐH, các doanh nhân, nghệ nhân... có đủ điều kiện phù hợp với từng chuyên đề).
Ban đầu, số môn học, chuyên đề tự chọn có thể không nhiều, tập trung vào các môn học, chuyên đề có nhiều HS chọn và nhà trường có thể đảm đương được. Những năm sau đó, trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ, bổ sung cơ sở vật chất… để có thể triển khai thêm, mở rộng dần danh sách các môn học, chuyên đề khác.
Việc lập lớp môn học nào, chuyên đề nào, số lượng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào năng lực của nhà trường về nhân lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đảm nhận dạy môn học, chuyên đề đó. Trường hợp có ít HS đăng ký học thì có thể hướng dẫn HS chuyển nguyện vọng hay chờ sang năm học sau sẽ có thêm các bạn cùng nguyện vọng, cũng có thể gửi HS học ở trường lân cận rồi thông báo kết quả học tập về trường.
 * Việc thử nghiệm CT giáo dục phổ thông mới được tiến hành ra sao để vừa không biến HS thành “chuột bạch” như lo ngại của xã hội, vừa không gây lãng phí thời gian, kinh phí?
- Nội dung thử nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với CT hiện hành. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức, nội dung hoạt động giáo dục mới, xác định mức độ phù hợp với khả năng nhận thức và điều kiện học tập của HS.
Hiện nay, chúng ta đã thử nghiệm thành công bước đầu nhiều nội dung của CT mới. Có thể kể đến đó là: môn tiếng Việt dạy theo phương pháp công nghệ giáo dục, các hoạt động sư phạm theo mô hình trường học mới ở tiểu học...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.