Chương trình chất lượng cao ở đại học: Sẽ đình chỉ nếu không đảm bảo tiêu chí

01/11/2013 03:00 GMT+7

Sau nhiều năm áp dụng chương trình chất lượng cao ở các trường ĐH nảy sinh nhiều vấn đề, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về loại hình đào tạo này.

 Sinh viên ngành công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Sinh viên ngành công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dự thảo có nhiều điểm ảnh hưởng đến người học, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

Mỗi trường một kiểu

* Hiện có nhiều trường đào tạo chương trình chất lượng cao (CLC), thu học phí cao nhưng thực chất chưa đảm bảo tiêu chí như dự thảo quy định, vậy nhà trường có được tiếp tục thu học phí cao hay không? Bộ có hướng xử lý như thế nào đối với những chương trình như vậy?

 

Những tiêu chí quan trọng

Chương trình tham khảo của nước ngoài, phải có giảng viên nước ngoài, không quá 25 sinh viên/lớp, có 5 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong 5 năm gần nhất, được cấp bằng CLC.

- Trước đây, Bộ đã cho phép một số trường thí điểm đào tạo loại hình này ở trình độ ĐH với yêu cầu là mục tiêu, chuẩn đầu ra và các điều đảm bảo chất lượng đào tạo phải cao hơn chương trình đại trà cùng ngành. Tuy nhiên, mỗi trường đã tổ chức đào tạo theo một cách thức riêng và chất lượng đào tạo cũng rất khác nhau. Để thống nhất và đảm bảo chất lượng đào tạo chung, Bộ ban hành Thông tư “Quy định đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH”.

Đối với những khóa tuyển sinh đào tạo thí điểm trước khi thông tư nói trên có hiệu lực thì vẫn được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa đào tạo. Việc thu học phí, trường được quyền thực hiện theo đúng cam kết, thỏa thuận với người học.

Khi thông tư nói trên ban hành và có hiệu lực thì tất cả các khóa tuyển sinh sau đó sẽ phải thực hiện theo đúng quy định. Dự thảo thông tư cũng quy định rõ trong quá trình triển khai, nếu trường nào không bảo đảm một trong các tiêu chí thì sẽ bị đình chỉ tuyển sinh và nếu quá thời hạn đình chỉ vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì sẽ bị thu hồi quyết định.

Phải cam kết chất lượng đào tạo với người học

* Thưa ông, thực tế có một số trường đào tạo CLC nhưng không thể không thu học phí cao vì đó là những ngành học khó tuyển. Hơn nữa muốn đào tạo CLC thì đầu vào cũng cần phải cao nhưng không phải sinh viên giỏi nào cũng đủ điều kiện theo học. Vậy Bộ đã giải quyết những vướng mắc này như thế nào?

- Để triển khai chương trình khả thi và bền vững, dự thảo thông tư quy định ngành đào tạo phải là ngành học đại trà, thế mạnh của trường, đáp ứng nhu cầu của số đông người học; được lựa chọn trên cơ sở khảo sát nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực CLC. Đối với các ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội, nhà nước cần thì không thể bù đắp chi phí đào tạo bằng cách thu học phí cao mà nhà nước cần đặt hàng với cơ sở đào tạo.

Dự thảo thông tư cũng quy định về điều kiện tuyển sinh là sinh viên tự nguyện tham gia học và cam kết đóng học phí theo quy định của trường. Như vậy, một số ít sinh viên nghèo, học giỏi sẽ không được tham gia chương trình CLC. Để giải quyết vấn đề này, thông tư quy định cơ sở đào tạo phải có chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng hoặc cho vay ưu đãi cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách để các em có thể tham gia.

* Vậy làm thế nào đảm bảo mức học phí của trường thu tương xứng với chất lượng đào tạo?

- Chất lượng đào tạo sẽ được xã hội, người học và cơ quan sử dụng nguồn nhân lực CLC giám sát. Ngoài ra, hằng năm, cơ sở đào tạo báo cáo với Bộ kết quả tuyển sinh, mức thu học phí và cam kết chất lượng đào tạo của khóa học. Bộ thực hiện định kỳ hằng năm kiểm tra, giám sát việc triển khai tổ chức đào tạo CLC của các cơ sở đào tạo.

* Dự thảo Thông tư quy định phải có ít nhất 50% số tín chỉ (trong số 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở ngành, chuyên ngành) do giảng viên nước ngoài đảm nhiệm. Việc này có khả thi không, thưa ông?

- Như đã đề cập ở trên, mục đích của chương trình CLC là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao, nhu cầu của người học, từng bước hội nhập với giáo dục ĐH khu vực và quốc tế. Vì vậy, ngoài việc tiếp thu có chọn lọc các chương trình đào tiên tiến trên thế giới thì trường cần phải mời những giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy. Điều này sẽ tạo môi trường đào tạo tích cực với phương pháp giảng dạy hiện đại, kiểm tra đánh giá tiên tiến và môi trường ngoại ngữ cho giảng viên, sinh viên. Đây chính là sự khác biệt của chương trình CLC.

Nếu tuyển thí sinh điểm thấp là sai quy định

Bắt đầu từ năm 2009 - 2010, Bộ cho thí điểm triển khai chương trình đào tạo CLC và thu học phí cao. Đến nay đã có 21 trường đào tạo 55 chương trình. Tuy nhiên, hiện có thực trạng một số trường công lập tuyển sinh với mức điểm không cao để đào tạo CLC, thu học phí cao làm ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập. Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Chủ trương đào tạo CLC sẽ không ảnh hưởng đến các trường ngoài công lập. Bộ quy định đối tượng tuyển sinh CLC phải là những thí sinh đã trúng tuyển vào trường và vào ngành đăng ký. Nếu các trường tuyển thí sinh điểm thấp để thu học phí cao là thực hiện không đúng quy định”.

Vũ Thơ (thực hiện)

>> Chất lượng cao' trong trường công - Kỳ 5: Đi ngược nguyên tắc cơ bản của giáo dục
>> Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công - Kỳ 4: Mạnh dạn giao trường tư
>> Mô hình “chất lượng cao” bóp méo trường công: Sự thất bại của giáo dục đại trà
>> Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công - Kỳ 2: Chỉ mới cao dịch vụ
>> Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công (kỳ 1)
>> Sinh viên chất lượng cao được cấp bằng riêng?
>> Phải có giảng viên nước ngoài tham gia đào tạo chất lượng cao 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.